Nhiều địa phương vẫn chưa thấy rõ tác hại của xe quá tải

ANTĐ - Mỗi năm, hàng nghìn tỷ đồng phải bỏ ra để sửa chữa đường sá, mà xe quá tải là một trong những thủ phạm chính. Cũng chính bởi chất lượng đường sá nhanh xuống cấp, mà xã hội hóa hạ tầng giao thông khó thu hút đầu tư BOT. Trong đó, ông Lê Đình Thọ, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) cho biết, nhiều địa phương vẫn chưa nhận thức rõ tác hại của xe quá tải.

Nhiều địa phương vẫn chưa thấy rõ tác hại của xe quá tải ảnh 1
Cơ chế xử lý xe quá tải còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe
(Trong ảnh: Một xe quá tải đi qua trạm cân bắt buộc trên Quốc lộ 1)


-  PV: Xe quá tải được nhận định là thủ phạm băm nát đường sá, nhiều nơi, người dân còn chặn đường ngăn xe quá tải, ý kiến của ông về vấn đề này ?

- Ông Lê Đình Thọ:  Nhiều tuyến đường tôi đi kiểm tra hư hỏng xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí có tuyến đường vừa đưa vào sử dụng được một thời gian đã bị xe quá tải phá nát. Xe chở quá tải có thể đem lại lợi ích cho doanh nghiệp hàng trăm tỷ đồng mỗi năm nhưng sức tàn phá hệ thống đường bộ của xe quá tải có thể lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.

 Nghịch lý này không thể chấp nhận được, bởi tiền làm đường dù là vốn ngân sách hay vốn vay nước ngoài đều là tiền của người dân đóng góp từ thuế.

- Chúng ta đã có chế tài xử phạt xe quá tải nhưng vẫn để tình trạng này xảy ra, phải chăng sự phối hợp chưa nhịp nhàng?

- Thời gian qua, lực lượng Thanh tra Giao thông  đã phối hợp cùng CSGT kiểm tra xử lý xe vượt tải, nhưng chế tài xử phạt chỉ xử lý lái xe chứ chưa xử lý chủ sở hữu xe vi phạm, nên việc kiểm soát cũng gặp khó khăn.

Cũng phải nói rằng, sự phối hợp giữa các ngành, địa phương cũng chưa đồng bộ. Lực lượng thực thi công vụ thiếu thiết bị kiểm tra xác định chính xác mức độ vi phạm vượt tải làm cơ sở xử lý như cân xe di động khiến việc kiểm soát xe quá tải chưa như mong muốn.

- Tổng cục ĐBVN đang thiết lập các trạm cân để kiểm soát xe vượt tải, nhưng dư luận lo ngại xảy ra tiêu cực và thực tế đã từng xảy ra? 

- Khi cho phép Bộ GTVT lập hệ thống trạm cân, Thủ tướng đã yêu cầu các trạm cân phải áp dụng công nghệ hiện đại, đảm bảo kiểm soát tải trọng và khổ giới hạn của xe một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả. Các trạm cân sẽ hạn chế tối đa sự tác động can thiệp trực tiếp của con người vào quá trình kiểm soát.

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, thiết bị nào cũng do con người tạo ra và về mặt lý thuyết, con người vẫn có thể can thiệp được, nhất là khi đây lại là lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực. Tổng cục ĐBVN và Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính xã hội đã xây dựng quy định về kiểm soát hoạt động của lực lượng thực thi trạm cân, ngăn chặn không để xảy ra tiêu cực. 

- Chỉ trông cậy vào trạm cân và lực lượng thực thi công vụ như Thanh tra Giao thông, CSGT để kiểm soát xe quá tải… đã hợp lý?

- Để xảy ra tình trạng xe chở quá tải phá đường, trước hết là do nhận thức về mối nguy hại của xe quá tải trong một bộ phận chính quyền địa phương, doanh nghiệp vận tải chưa đúng. Có không ít địa phương vì mải chạy theo phát triển kinh tế trước mắt đã lơi lỏng xe chở quá tải trên địa bàn.

 Ngành giao thông, công an có trách nhiệm chính trong xử lý xe vượt tải trên đường, nhưng không đủ lực lượng rải khắp mọi ngã đường 24/24h và cũng không thể bố trí các trạm cân dày đặc để kiểm soát xe. Để kiểm soát được xe quá tải trọng cần phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, cần một sự chỉ đạo thống nhất xuyên suốt từ trên xuống dưới.