Nhiều địa phương quy định "không quay phim, ghi âm ở trụ sở tiếp dân"

ANTD.VN - Trước khi thành phố Hà Nội có quy định “không quay phim, chụp ảnh, ghi âm tại trụ sở tiếp dân khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân”, rất nhiều địa phương, bộ ngành trên cả nước đã áp dụng quy định này.

Ngày 3/1/2019, UBND TP Hà Nội đã ban hành Nội quy về việc tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân thành phố, trong có quy định: “Không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân”. Liền sau đó, dư luận có một số ý kiến nhiều chiều xoay quanh quy định này. Dù vậy, Hà Nội hoàn toàn không phải là nơi đầu tiên áp dụng quy định hạn chế quay phim, chụp ảnh, ghi âm ở nơi tiếp công dân.

Thực tế, từ 3 năm trước, nhiều tỉnh, thành phố, bộ ngành trên cả nước đã ban hành Nội quy tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh, trong đó có đưa ra yêu cầu tương tự về việc không cho phép quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa được sự đồng ý của người có thẩm quyền.

Ví dụ, tại tỉnh Bình Phước, phần quy định về “Những yêu cầu đối với người đến khiếu nại, tố cáo” tại trụ sở tiếp công dân thuộc Nội quy tiếp công dân tại trụ sở tiếp dân tỉnh, ban hành ngày 28/5/2015 nêu: “Tuân thủ sự điều hành của người chủ trì tiếp công dân; không được tự ý sử dụng phương tiện ghi hình, ghi âm khi chưa được sự cho phép của người chủ trì tiếp công dân”.

Tương tự, nội quy tiếp công dân tại các cơ quan trên địa bàn do UBND tỉnh Bình Thuận ban hành vào tháng 5-2015 yêu cầu: “Việc quay phim, chụp ảnh, ghi âm phải được sự đồng ý của người chủ trì tiếp công dân”.

Ở Đồng Nai, nội quy tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân tỉnh do UBND tỉnh này ban hành vào tháng 10-2015 nêu: “Không được tự ý quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của lãnh đạo ban tiếp công dân tỉnh, cán bộ tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân tỉnh”. Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng có lưu ý tương tự trong nội quy ban hành vào cùng thời điểm.

Quy định “không quay phim, chụp ảnh, ghi âm tại trụ sở tiếp dân khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân” đã được áp dụng ở nhiều nơi từ lâu

Nội quy tiếp công dân của UBND tỉnh Thái Bình ban hành ngày 9/2/2015 còn yêu cầu mạnh hơn: “Không mang theo vũ khí, chất dễ cháy, nổ, chất độc hại và các phương tiện nguy hiểm khác, các loại cờ, băng biển, khẩu hiệu, tranh, ảnh, loa đài, máy ảnh, máy ghi âm, ghi hình, trẻ em, súc vật; không sử dụng điện thoại trong phòng tiếp. Không tự ý vào các phòng làm việc”.

Tại tỉnh Hà Nam, nội quy tiếp công dân ban hành ngày 30/12/2016 do Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam ký ban hành nhấn mạnh yêu cầu: “Không được quay phim, chụp ảnh, ghi âm trừ những người đang thực hiện nhiệm vụ”.

Tại TP.Hải Phòng, nội quy tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân cũng quy định rõ: “Công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở tiếp công dân không được tự ý sử dụng phương tiện ghi hình, ghi âm khi chưa được sự cho phép của người chủ trì tiếp công dân”.

Theo nội quy tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân TP.HCM, công dân không mang các vật dễ cháy, nổ, chất độc hại, hung khí vào nơi tiếp công dân; không tự ý sử dụng phương tiện ghi hình, ghi âm, chụp ảnh, treo băng rôn, biểu ngữ khi chưa được sự cho phép của người có thẩm quyền.

Nội quy này cũng quy định những trường hợp được từ chối tiếp công dân bao gồm: người trong tình trạng say do dùng chất kích thích, người mắc bệnh tâm thân hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình…

Đáng chú ý, nội quy trụ sở tiếp dân Trung ương ban hành kèm theo Quyết định số 2276/QĐ-TTCP ngày 11/8/2015 của Thanh tra Chính phủ cũng có quy định tương tự các địa phương: “Không được tự ý quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của lãnh đạo Ban Tiếp công dân Trung ương, cán bộ tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân”.

Tại Bộ Xây dựng, quy định về “Những trường hợp nghiêm cấm” trong Nội quy, quy chế tiếp công dân của Bộ này nêu: “Tự ý sử dụng phương tiện ghi hình, ghi âm khi chưa được sự cho phép của người chủ trì tiếp công dân”...