Nhiều đề án, vẫn ùn tắc

ANTĐ - Hôm qua, 24-4, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng và một số bộ, ngành, địa phương đã có phiên giải trình trước Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về tình hình xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, nhất là tại 3 TP lớn Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh.

Nhiều đề án, vẫn ùn tắc ảnh 1


Sung công xe đua trái phép

Mở đầu phiên giải trình, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, vi phạm hành chính về giao thông đường bộ trong nhiều năm qua là một trong những "thủ phạm" chính gây ra tai nạn. Trong năm 2011 và 2 tháng đầu năm 2012, toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 8,3 triệu trường hợp vi phạm hành chính về giao thông đường bộ. Bộ trưởng Đinh La Thăng kiến nghị tăng mức tiền phạt tối đa trong lĩnh vực giao thông vận tải lên tới 200 triệu đồng. Đặc biệt, Bộ trưởng còn đề nghị tịch thu và sung công các phương tiện được sử dụng gây nguy hiểm cho xã hội như đua xe trái phép (không phân biệt sở hữu). Ông giải thích: “Nếu không tịch thu mà trả lại sẽ làm người vi phạm coi thường kỷ cương pháp luật và tiếp tục đua xe...”. Ông cũng kiến nghị quy định chủ phương tiện phải mở tài khoản ngân hàng với một khoản ký quỹ để tiến tới thu tiền phạt qua tài khoản.

Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an) đánh giá, tình hình vi phạm diễn biến phức tạp, ùn tắc diễn ra thường xuyên tại các TP lớn. Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị cũng đề nghị tịch thu xe đua trái phép và tăng thẩm quyền cho các lực lượng chức năng trong quá trình xử lý vi phạm. 

Cân nhắc thời điểm thu phí

Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội mở màn: “Số vụ vi phạm, số người chết, bị thương quá lớn... và chưa có dấu hiệu giảm. Trách nhiệm quản lý của Bộ GTVT tới đâu? Bộ ít nói tới tăng cường trách nhiệm người thực thi công vụ? Làm thế nào xử lý vấn đề này để hạn chế tiêu cực?”. Ông Trần Ngọc Vinh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng đặt câu hỏi: “Đầu tư công trình giao thông gây thất thoát lớn, Bộ chưa có giải pháp hạn chế việc này thì lại đề xuất phí sử dụng đường bộ, đề nghị Bộ trưởng làm rõ?”. ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) bức xúc: “Học giả bằng thật, kiến thức tối thiểu khi tham gia giao thông không nắm được, xử lý  thế nào?”.

Bộ trưởng Đinh La Thăng giải thích: “Liên tiếp 3 năm qua, số vụ tai nạn có giảm song con số vẫn còn nghiêm trọng. Trách nhiệm quản lý của Bộ GTVT rất lớn. Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan để tham mưu, đưa ra các giải pháp, đề án có tính chất lâu dài cũng như cấp bách nhằm tháo gỡ tình hình, ngăn chặn tai nạn, ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn. Về trách nhiệm người thi hành công vụ, Bộ GTVT đã có đề án riêng để nâng cao phẩm chất đạo đức, năng lực của lực lượng này”. Bộ trưởng giãi bày: “ĐB Trần Ngọc Vinh nêu vấn đề nóng bỏng, người dân bức xúc, Bộ GTVT cũng bức xúc. Gần như 100% các công trình chậm tiến độ, chúng tôi đã phát hiện và có hàng loạt giải pháp chấn chỉnh, xử lý quyết liệt cán bộ vi phạm, thay chủ đầu tư, thay nhà thầu... Còn về phí sử dụng đường bộ, không phải bây giờ Bộ mới đề xuất mà là thực hiện Luật giao thông đường bộ 2008. Thiếu sót của Bộ là tham mưu chậm nên bây giờ mới chuẩn bị thu...”.

Vấn đề giấy phép lái xe, Bộ trưởng cho biết, “đã có đề án quản lý thống nhất bằng lái trên toàn quốc để chống bằng giả”. Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật bổ sung: "Người thật, bằng thật nhưng học giả, tức là chất lượng học rất kém, cử tri muốn rõ hơn điều này?” Bộ trưởng nói: “Bộ GTVT có biết điều này và đang làm đề án. Chúng tôi sẽ rà soát lại trả lời bộ lái xe để phát hiện bằng giả hay không đủ năng lực để hành nghề lái xe...”.

Sẽ tạm giữ lái xe say rượu?

Chưa hết băn khoăn về các loại phí, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) ta thán: “Cơ quan nào nói cũng hay nhưng cuối cùng là dân trả tiền. Ai cũng nghĩ  thu tiền của dân là dễ nhất. Chính sách phải hạn chế tới mức thấp nhất việc thu tiền của dân. Theo tôi, Quỹ bảo trì đường bộ là đúng nhưng nguồn của quỹ từ nhiều chỗ chứ không chỉ thu tiền dân?”. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh giải thích: “Ban hành chính sách phải có cơ sở. Không ai muốn thu nhiều tiền phạt nhưng với người vi phạm thì chắc chắn phải thu. Nếu không phạt, vi phạm sẽ nhiều hơn”.

Cùng mối lo, ĐB Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội nói tiếp: “Đất nước đã nghèo rồi mà ngành nào cũng đòi tiền. Có giải pháp nào không dùng tiền mà giúp giảm tai nạn, ùn tắc không? Nhiều nước, người ta quy định lái xe say rượu bỏ tù ngay. Ta có làm thế được không? Sao lúc Quốc hội thảo luận chuyện rượu bia, Bộ GTVT im phăng phắc?” Bộ trưởng Đinh La Thăng đáp: “Luật quy định rõ, đã uống rượu bia là cấm lái xe. Quan điểm của chúng tôi là đề xuất tạm giữ người uống rượu lái xe. Bộ có tham khảo quy định của các nước...”.

ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) hỏi: “Dường như không công bằng khi chỉ hướng tới hạn chế xe cá nhân trong khi xe công rất ít chế tài?”. Bộ trưởng khẳng định, không có phân biệt đối xử. “Tất nhiên, xe công cũng ít bị phạt hơn thật. Chúng tôi tiếp thu và sẽ phải làm nghiêm hơn nữa...”.

“Cái gì cũng đang làm đề án”

Sốt ruột vì thấy cái gì Bộ trưởng cũng nói “đang có đề án”, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) hỏi thẳng: “Vấn đề gì Bộ GTVT cũng “đang xây dựng đề án”, nhưng tôi thấy đăng kiểm rất yếu kém mà không quy trách nhiệm cho ai? Dẫu vậy, Bộ trưởng vẫn không thể tránh từ “đề án”: “Đăng kiểm có vấn đề, cũng có trường hợp tiêu cực, Bộ đã từng phát hiện và xử nghiêm minh. Bộ đã có đề án nâng cao chất lượng đăng kiểm, làm rõ trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cơ quan đăng kiểm...”.

10.000 thông báo mới có... 1 trả lời!


Theo Bộ GTVT, việc thông báo vi phạm về cơ quan, nơi cư trú của người vi phạm cũng không mấy hiệu quả, cho thấy các đơn vị, địa phương chưa quan tâm thực hiện kiểm điểm, giáo dục người vi phạm và phản hồi lại cho đơn vị ra thông báo theo quy định. Qua hơn 1 năm triển khai, chỉ có 0,01% số thông báo được phản hồi. 

ĐB Nguyễn Thị Khá hỏi: “Có dư luận nói có tiền bồi thường là miễn xử lý hình sự dù gây tai nạn chết người?”. Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị đáp: “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt nhiều tiền hay ít tiền. Xử lý vi phạm giao thông cũng như vậy. Các vụ việc xử lý hình sự đều có sự giám sát chứ không có chuyện nhiều tiền, bồi thường xong là thôi. Bộ Công an cũng thường xuyên kiểm tra và yêu cầu xử lý nghiêm đúng pháp luật”.