Nhiều ĐBQH tán thành bỏ hình phạt tử hình ở 7 tội danh

ANTĐ -Sáng nay, 30-10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi). Đa số ĐBQH đồng tình với việc bỏ 7 tội danh phải chịu mức án tử hình song nhiều ý kiến đề nghị phải cân nhắc cẩn trọng với một số tội danh cụ thể, nhất là tội phạm liên quan đến kinh tế, tham ô.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho biết, kết quả lấy ý kiến nhân dân đa số đồng tình với các nội dung, quy định trong dự thảo Luật này song cũng còn nhiều ý kiến chưa thống nhất.

ĐB Nguyễn Bá Thuyền phát biểu góp ý vào dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi)

Cụ thể, về hạn chế hình phạt tử hình, nhiều ý kiến tán thành bỏ hình phạt tử hình ở 7 tội danh như dự thảo trình Quốc hội và kết quả xin ý kiến nhân dân cũng thống nhất với phương án này. Trên cơ sở cân nhắc các ý kiến, UBTVQH dự kiến chỉnh lý theo hướng, bỏ hình phạt tử hình ở các tội danh: cướp tài sản; tàng trữ trái phép chất ma túy; chiếm đoạt chất ma túy; phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh.

Đáng chú ý, nhiều ý kiến tán thành phương án quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, nhận hối lộ nhưng sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả do tội phạm gây ra, hợp tác tích cực với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

UBTVQH nhận thấy, đối với người phạm các tội mang tính vụ lợi thì yếu tố khắc phục hậu quả, thu hồi lại được tài sản chiếm đoạt cần được xem là một tình tiết đặc biệt khi thi hành án. Tuy nhiên, để bảo đảm sự công bằng, người phạm tội phải hội đủ nhiều yếu tố mới có thể được xem xét không thi hành án tử hình.

Góp ý về nội dung này, ĐB Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho rằng, việc xem xét không thi hành án tử hình đối với tội tham ô tài sản, nhận hối lộ đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả do tội phạm gây ra… thể hiện tính nhân đạo của pháp luật, là rất cần thiết nếu họ thực sự hối cải. Tuy nhiên hình thức khoan hồng chỉ nên áp dụng trong giai đoạn chưa tuyên án, còn khi tòa đã tuyên án tử hình rồi họ mới hợp tác, mới nộp lại tiền tham ô mà có thì không tránh khỏi dư luận “dùng tiền để chạy án tử hình”.

“Thực sự sau khi đã bị kết án tử hình có thể họ sợ quá mới chủ động nộp lại tài sản chứ không chắc đã do thấy hối cải. Hơn nữa nếu quy định như vậy thì có thể người bị kết án sẽ có tâm lý nghe ngóng, nếu bị kết án tử mới chịu khắc phục hậu quả. Do vậy đề nghị không nên quy định” – ĐB Tô Văn Tám phân tích.

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) cũng cho rằng, phải cân nhắc kỹ quy định phi hình sự hóa với tội “cố ý làm trái quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” bởi nếu loại tội phạm này mà bỏ án tù rất có thể dân sẽ không đồng tình. “Giờ nếu ta quy định phi hình sự hóa với loại tội này thì bao nhiêu tội phạm về kinh tế đang nằm tù, đang xét xử sẽ được ra tù hết, thế là chúng ta có tội với dân” – ĐB Nguyễn Bá Thuyền nói.