Nhiều ĐBQH đề xuất lập ủy ban quốc gia giám sát xử lý vụ Formosa

ANTĐ - Liên quan đến sự cố môi trường tại 4 tỉnh ven biển miền Trung do hoạt động xả thải của Formosa Hà Tĩnh, trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 21-7, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) cho rằng, cần có một Ủy ban quốc gia để giám sát xử lý vụ việc này. 

Nhiều ĐBQH đề xuất lập ủy ban quốc gia giám sát xử lý vụ Formosa ảnh 1Ban lãnh đạo Formosa Hà Tĩnh cúi đầu xin lỗi
vì đã gây ra sự cố môi trường tại các tỉnh miền Trung

Nên dừng các dự án gây ô nhiễm

Đánh giá lại toàn diện sự cố môi trường do hoạt động xả thải của Formosa Hà Tĩnh thời gian qua, ĐBQH Trần Hoàng Ngân cho rằng, trong vụ việc này, Chính phủ đã tập trung xử lý tốt, tìm ra nguyên nhân và quy trách nhiệm cụ thể. Tuy nhiên, việc xử lý đối với nhà đầu tư Formosa cần phải được đánh giá kỹ hơn trên nhiều yếu tố, nhất là phải rút ra được bài học. “Chúng tôi đồng ý quan điểm của Chính phủ là không chấp nhận đánh đổi tăng trưởng kinh tế với môi trường. Quan điểm đó phải được xuyên suốt trong cả giai đoạn tiếp theo. Nhưng vấn đề đặt ra là tại sao Formosa vốn là nhà đầu tư có lý lịch xử lý môi trường không tốt, cần phải được giám sát chặt nhưng chúng ta lại để xảy ra sự cố” - ông Trần Hoàng Ngân đặt vấn đề.

Theo ĐBQH Trần Hoàng Ngân, bài học đầu tiên cần rút ra là phải có kiến nghị kịp thời, phân công, phân cấp quản lý theo hướng giao về một bộ duy nhất, chịu trách nhiệm chính. Bài học lớn khác là vấn đề thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là với doanh nghiệp 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI. “Ta cần huy động vốn  FDI nhưng không có nghĩa là huy động bằng mọi giá. Vấn đề nữa là cạnh tranh trong thu hút vốn FDI của các địa phương cũng phải được xem xét” - ông Ngân nói. 

“Quan điểm cá nhân, tôi cho rằng những dự án nào không thỏa mãn tiêu chí môi trường thì phải ngừng ngay. Tuy nhiên, việc này phải thực hiện một cách thuyết phục, rõ ràng, minh bạch, có cơ sở khoa học vì sẽ ảnh hưởng đến các nhà đầu tư khác” - ông Ngân phân tích.

Cần ủy ban quốc gia để giám sát

Trả lời câu hỏi về vai trò giám sát của Quốc hội, các cơ quan chức năng đối với dự án Formosa Hà Tĩnh và những dự án tương tự, ĐB Trần Hoàng Ngân cho biết, dự án Formosa Hà Tĩnh không còn là của riêng Hà Tĩnh nữa mà là dự án liên quan đến hàng loạt các tỉnh miền Trung, tác động đến cả ngành kinh tế biển, du lịch, thậm chí đến cả đất nước và nền kinh tế của Việt Nam. Vì thế, khi giải quyết vấn đề xả thải, xử lý chất thải của Formosa Hà Tĩnh, phải xem xét dưới góc độ đây là dự án tầm quốc gia và không thể giao cho UBND tỉnh hay Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Hà Tĩnh quản lý. “Tất cả việc xử lý hậu quả do Formosa gây ra và những động thái tiếp theo cần giao cho một ủy ban quốc gia, dưới sự giám sát của Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội” - ông Ngân đề nghị.

Trao đổi với báo chí, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cũng đề xuất thành lập một ủy ban lâm thời của Quốc hội để giám sát các vấn đề quan trọng của đất nước, trong đó có giám sát vấn đề môi trường tại một số dự án lớn, trước mắt là Formosa Hà Tĩnh. Trả lời báo chí xung quanh đề xuất này của các ĐBQH sáng  21-7, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, “Đây mới chỉ là ý kiến cá nhân của đại biểu. Còn để thành lập được ủy ban lâm thời này cần phải có một quy trình cụ thể”.

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, không chỉ các dự án lớn mà các dự án nhỏ cũng cần phải được kiểm soát, giám sát chặt chẽ về vấn đề xử lý chất thải, bảo vệ môi trường vì “nhiều dự án nhỏ cộng lại thì mức độ gây ô nhiễm môi trường lớn hơn gấp nhiều lần dự án lớn”. Trong đó, đối với các dự án lớn, nhạy cảm, theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chính phủ sẽ quyết định việc phân cấp, phân quyền quản lý giám sát.

Tương tự, ĐBQH Trương Minh Hoàng (đoàn Cà Mau) nêu quan điểm, với những sự cố nghiêm trọng như vụ việc xả thải của Formosa Hà Tĩnh thì từ ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp đến chính quyền các cấp đều phải tăng cường giám sát, có trách nhiệm phát hiện, xử lý kịp thời. ĐB Trương Minh Hoàng kiến nghị Quốc hội đưa việc giám sát môi trường tại các dự án lớn vào chương trình giám sát tối cao năm 2016-2017.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà: Hoan nghênh nếu Quốc hội giám sát Formosa

Nhiều ĐBQH đề xuất lập ủy ban quốc gia giám sát xử lý vụ Formosa ảnh 2Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà trả lời báo chí tại Quốc hội

“Bộ TN-MT chắc chắn sẽ rất hoan nghênh nếu Quốc hội giám sát vụ việc của Formosa Hà Tĩnh hay việc Quốc hội lập ủy ban lâm thời giám sát xử lý vụ việc ở Formosa như một số ĐBQH đề xuất. Nhưng có cần lập ủy ban giám sát lâm thời hay không khi các Ủy ban Quốc hội vẫn đang thực hiện giám sát việc này. Giả sử Quốc hội thấy thật sự cần thì nên xem xét thành lập”.