Dự thảo Luật Thủ đô:

Nhiều đại biểu ủng hộ việc hạn chế nhập cư vào Hà Nội

ANTĐ - Sáng qua (5-11), trong phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thủ đô, nhiều ý kiến ĐBQH tán thành việc cần thiết sớm ban hành Luật Thủ đô để tạo cơ chế phát triển đặc thù cho Hà Nội. Các ý kiến tập trung vào nhiều lĩnh vực, từ quản lý dân cư, quy hoạch đô thị cho đến việc bảo tồn các giá trị văn hóa của Thủ đô.

Hạn chế nhập cư sẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống. Ảnh: PHÚ KHÁNH

Dân cư đông đúc làm tăng áp lực về ANTT

ĐBQH Nguyễn Đức Chung, Giám đốc CATP Hà Nội phát biểu: Thực tế 5 năm sau khi ban hành Luật Cư trú số người ngoại tỉnh chuyển về Hà Nội đã tăng nhanh. Tính đến tháng 3-2012 toàn thành phố có hơn 1,8 triệu hộ với 7,1 triệu nhân khẩu, trong đó số dân tạm trú khoảng gần 1 triệu người. Theo phê duyệt của Chính phủ, đến năm 2030 dân số TP Hà Nội có từ 9 - 10 triệu người, tuy nhiên với tốc độ như hiện nay, dự kiến đến năm 2020 con số này sẽ lên tới 13-14 triệu người. Mật độ dân cư của TP Hồ Chí Minh hiện nay là khoảng 4.000 người/km2, trong khi đó ở quận Đống Đa lên tới 37.000 người/km2; quận Hai Bà Trưng thấp hơn, nhưng cũng khoảng 30.000 người/km2.

Việc dân số tăng quá nhanh sẽ gây khó khăn trong nhiều lĩnh vực: Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, điện, nước, trường, y tế bị hạn chế; các dự án giao thông đô thị, quản lý vệ sinh môi trường chậm lại, chi phí sinh hoạt bị đẩy lên cao…Tình trạng dân số tăng nhanh còn liên quan đến công tác đảm bảo an ninh chính trị và giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Trong 5 năm qua, về tình hình tội phạm và các tệ nạn xã hội trên địa bàn thành phố, theo thống kê có từ 35-37% các loại tội phạm là các đối tượng tỉnh ngoài đến TP Hà Nội gây án. ĐBQH Nguyễn Đức Chung cho rằng, việc áp dụng hạn chế các điều kiện nhập cư vào các quận nội thành trong thời điểm này là cần thiết, đảm bảo cho việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô. 

Đồng ý kiến, ĐBQH Đào Trọng Thi (Hà Nội), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh: “Trong hoàn cảnh Thủ đô còn rất khó khăn về cơ sở hạ tầng, tôi cho rằng áp dụng bổ sung những biện pháp hành chính là cần thiết”. ĐBQH Đào Trọng Thi ủng hộ ý kiến cho rằng cần phải quy định chặt chẽ hơn nữa về điều kiện nhập cư vào Hà Nội như ổn định chỗ ở 3 năm, diện tích nhà thuê đạt từ 5m2/người trở lên…. “Dự án luật đã xác định được những đặc điểm chỉ riêng Thủ đô mới có. Với vai trò đặc biệt như vậy, chính quyền và nhân dân Thủ đô có trách nhiệm rất quan trọng và vinh dự là thay mặt cả nước chứng tỏ vị thế ngang tầm với những thủ đô văn minh - hiện đại khác trên thế giới, qua việc đáp ứng tốt những tiêu chuẩn cao về cơ sở hạ tầng, quản lý, tổ chức và văn minh đô thị”- ĐBQH Đào Trọng Thi nhấn mạnh.

Sông Hồng - điểm nhấn của Thủ đô

ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc), đề cập việc phát huy những giá trị văn hóa ven bờ sông Hồng: Với bề dày lịch sử 1.000 năm, Hà Nội là địa danh tập trung rất nhiều sản phẩm văn hóa có giá trị (cả vật thể lẫn phi vật thể). Hà Nội có sông Hồng uốn khúc bao quanh, khắc họa đặc biệt rõ nét nền văn hóa lúa nước của đồng bằng Bắc Bộ. Vì vậy, chúng ta cần khai thác triệt để và phát huy những giá trị văn hóa của hai bên bờ sông Hồng.

ĐBQH Lê Nam (Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) đóng góp thêm ý kiến xung quanh vấn đề này: Từ xưa tới nay, sông Hồng là nơi giao thương quần tụ, cùng với hồ Gươm, hồ Tây và 36 phố cổ tạo nên cốt cách người Hà Nội. Hà Nội cần biết khai thác giá trị của sông Hồng để tạo nên dấu ấn đặc trưng. Về biểu tượng của Thủ đô, ĐBQH Lê Nam thống nhất với dự thảo Luật, chọn Khuê Văn Các - Văn Miếu. Sau nửa ngày thảo luận tại hội trường, đa số các đại biểu đều thống nhất với ý kiến cần thiết sớm ban hành Luật Thủ đô, để Hà Nội có một cơ chế phát triển đặc thù, xứng đáng với tầm vóc và vị thế của riêng mình.

ĐBQH Lê Thanh Vân (Đoàn ĐBQH Hải Phòng): Thủ đô phải khác với thành phố

ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng, Thủ đô cần phải có bộ luật riêng để tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển. Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 5-11, ông nhấn mạnh: “Thủ đô của một nước phải có sự khác biệt về quản lý nhà nước so với các tỉnh/thành phố khác. Nguyên tắc tổ chức chính quyền của Thủ đô cũng phải khác nơi khác. Chúng ta nên gọi Thủ đô Hà Nội chứ không gọi là thành phố Hà Nội bởi Thủ đô khác với tỉnh/thành phố khác”.