Nhiều cơ quan đầu mối trong quản lý nợ công sẽ dẫn đến chồng chéo

ANTD.VN -Sáng 25-5, Quốc hội nghe Tờ trình dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi) và Báo cáo thẩm tra dự án Luật này.

Báo cáo thẩm tra về Dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi) nêu rõ, nợ công bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương. Trong trường hợp doanh nghiệp nhà nước (DNNN) không đủ khả năng trả nợ thì thực hiện thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật tương tự như các loại hình doanh nghiệp khác. Trường hợp đơn vị sự nghiệp vay nợ không trả được nợ thì cơ chế xử lý cũng được áp dụng như đối với các doanh nghiệp. Nếu quy định nợ của DNNN, đơn vị sự nghiệp thuộc phạm vi nợ công sẽ dẫn đến gia tăng nghĩa vụ trả nợ công rất lớn, ảnh hưởng đến an ninh tài chính quốc gia. Quy định nợ DNNN không thuộc phạm vi nợ công cũng phù hợp với thông lệ quốc tế.

Quang cảnh phiên họp

Về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng nợ công, Khoản 4 Điều 15 Dự thảo luật quy định Quốc hội có thẩm quyền quyết định phương án bổ sung dự toán NSNN trong trường hợp Quỹ tích lũy trả nợ không đủ nguồn dự phòng để xử lý rủi ro đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh và vay về cho vay lại.

Liên quan đến nội dung này, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính Ngân sách (TCNS) đề nghị Chính phủ rà soát, cân nhắc kỹ đối với quy định này vì Quỹ tích lũy trả nợ được thành lập, xác định cụ thể nguồn thu theo quy định tại Điều 59 Dự thảo luật và việc thành lập Quỹ là nhằm bảo đảm khả năng thanh toán nghĩa vụ nợ của các khoản vay về cho vay lại, dự phòng rủi ro phát sinh từ việc cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ. Do đó, Chính phủ có trách nhiệm quản lý, điều hành chi chặt chẽ theo đúng quy định và trong phạm vi nguồn thu của Quỹ, bảo đảm an toàn Quỹ, không bổ sung nguồn từ NSNN cho Quỹ để xử lý rủi ro đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh và vay về cho vay lại.

  Về trách nhiệm trong quản lý vay nợ, để bảo đảm quyền hạn gắn liền với trách nhiệm, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, Ủy ban TCNS đề nghị bổ sung quy định làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền quyết định và các đối tượng có liên quan trong toàn bộ quy trình huy động, thẩm định, phân bổ, quản lý, sử dụng nợ công, đặc biệt trong trường hợp sử dụng vốn vay không hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí.

Đối với nhiệm vụ, quyền hạn của một số bộ, ngành, Điều 19 Dự thảo luật quy định theo hướng Bộ Tài chính là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công; Điều 20 giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý nhà nước đối với nguồn vốn ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài. Ủy ban TCNS đề nghị quy định theo hướng chỉ giao một cơ quan là đầu mối thống nhất theo sự phân công của Chính phủ để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nợ công, trong đó bao gồm cả chức năng quản lý nhà nước đối với nguồn vốn ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài, làm đầu mối thống nhất vận động, đàm phán hiệp định khung, hiệp định vay, phân bổ, sử dụng vốn, trả nợ vay...

 Việc quy định nhiều cơ quan cùng là đầu mối quản lý nợ công như hiện nay là chưa đáp ứng yêu cầu về cải cách hành chính và sẽ không khắc phục được các hạn chế đang diễn ra trên thực tế, nhiều cơ quan cùng quản lý nợ công ở các công đoạn khác nhau, dẫn đến tình trạng quản lý phân tán, việc phối hợp chưa chặt chẽ nên công tác theo dõi, tổng hợp báo cáo, quyết toán, thống kê, đặc biệt việc xác định trách nhiệm vay, trả nợ, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn vay, bố trí vốn đối ứng còn khó khăn, bất cập.

Một số nội dung liên quan đến biện pháp, chế tài xử lý trong trường hợp người được bảo lãnh gặp khó khăn trong trả nợ Dự thảo luật đang quy định theo hướng giao Thủ tướng Chính phủ quyết định. Vấn đề này cũng cần được cụ thể hóa và quy định trong luật để tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, minh bạch, thuận tiện cho quá trình tổ chức thực hiện.