Nhiều chính sách quan trọng, nổi bật có hiệu lực thi hành từ tháng 5-2018

ANTD.VN -Giá cước cuộc gọi di động giữa các nhà mạng sẽ giảm, doanh nghiệp Nhà nước mua xe cũng phải qua đấu thầu, phí thẩm định cơ sở lư trú hạng 4 sao là 3,5 triệu đồng, tự gây thiệt hại để nhận tiền bảo hiểm bị phạt đến 100 triệu đồng, không có nợ xấu trong 3 năm được cấp tín dụng vượt hạn mức…là những quy định mới quan trọng có hiệu lực thi hành từ tháng 5-2018.

Thông tư 47/2017/TT-BTTTT của Bộ TT&TT quy định, từ 1-5, giá cước kết nối đối với cuộc gọi thoại giữa hai mạng di động được áp dụng như sau: Trường hợp gọi đến số thuê bao của nhà mạng Viettel, mạng di động gọi đi phải trả cho Viettel 400 đồng/phút; gọi đến số thuê bao của các nhà mạng Mobifone, Vinafone, VietnamMobile, Công ty cổ phần Viễn thông di động toàn cầu (Gtel Mobile), mạng di động gọi đi phải trả cho nhà mạng này 440 đồng/phút. Trước đây, giá cước kết nối dao động từ 500-550 đồng/phút. Như vậy, mức cước mới giảm 20% so với mức cước hiện hành.

Theo Quyết định 18/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, để được xem xét khoản cấp tín dụng vượt giới hạn, ngoài việc đáp ứng đủ điều kiện cấp tín dụng thì khách hàng phải không có nợ xấu trong 3 năm gần nhất liền trước năm đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn, có hệ số nợ phải trả không quá 3 lần vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm…Quyết định có hiệu lực từ 1-5.

Nghị định 40/2018/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động bán hàng đa cấp nêu rõ, người tham gia bán hàng đa cấp có quyền trả lại hàng hóa đã mua từ doanh nghiệp bán hàng đa cấp, bao gồm cả hàng hóa được mua theo chương trình khuyến mại, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận hàng. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp không được thu tiền đặt cọc của người tham gia…Nghị định có hiệu lực từ 2-5.

Từ 2-5-2018, người tham gia bán hàng đa cấp có quyền trả lại hàng hóa đã mua từ doanh nghiệp bán hàng đa cấp (ảnh minh họa)

Nghị định 41/2018/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập và thay thế Nghị định 105/2013/NĐ-CP quy định, từ 1-5, mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán là 50 triệu đồng đối với cá nhân (tăng 20 triệu đồng) và 100 triệu đồng đối với tổ chức (tăng 40 triệu đồng). Hành vi tẩy xóa, sửa chữa chứng từ kế toán; Ký chứng từ kế toán bằng mực màu đỏ, mực phai màu; Ký chứng từ kế toán bằng đóng dấu chữ ký khắc sẵn… bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng.

Thông tư 25/2018/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 146/2017/NĐ-CP và sửa đổi, bổ sung Thông tư 78/2014/TT-BTC, Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định, từ 1-5, các khoản chi được trừ, không được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp được sửa đổi, bổ sung cụ thể như sau: Bổ sung thêm các khoản trích khấu hao tài sản cố định không được trừ đối với trường hợp doanh nghiệp nhận chuyển nhượng; Khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động vượt định mức quy định hoặc không ghi cụ thể điều kiện được hưởng trong hồ sơ sẽ không được trừ khi tính thuế TNDN…

Thông tư 33/2018/TT-BTC quy định về mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, Giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa; phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch…của Bộ Tài chính nêu rõ, từ 14-5, đối với thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch (gồm cả cấp mới, cấp đổi và cấp lại), mức phí là 650.000 đồng/thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế và nội địa; 200.000 đồng/thẻ hướng dẫn viên tại điểm. Phí thẩm định cấp mới, cấp đổi, và cấp lại Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, nội địa lần lượt là 3 triệu, 2 triệu và 1,5 triệu đồng/Giấy phép.

Còn theo Thông tư 34/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính, mức thu phí thẩm định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch đối với hạng 1 và 2 sao là 1,5 triệu đồng/hồ sơ; đối với hạng 3 sao là 2 triệu đồng/hồ sơ và đối với hạng 4 và 5 sao là 3,5 triệu đồng/hồ sơ. Mức phí thẩm định công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch là 1 triệu đồng/hồ sơ. Thông tư có hiệu lực từ 14-5.

Nghị định 32.2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp có hiệu lực từ 1-5 quy định, khi đầu tư, mua sắm tài sản cố định bên ngoài đưa về sử dụng (kể cả mua xe), doanh nghiệp Nhà nước cũng phải thực hiện đấu thầu. Doanh nghiệp Nhà nước không được sử dụng tài sản, tiền vốn, quyền sử dụng đất thuê để góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản; không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm…

Theo Nghị định 48/2018/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số, từ 10-5, phạt tiền từ 90-100 triệu đồng đối với hành vi thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật; Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm, trừ trường hợp luật quy định khác; Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm…Đặc biệt, hành vi ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức sẽ bị phạt tiền từ 40-50 triệu đồng.

Nghị định 30/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định, định giá tài sản trong tố tụng hình sự phải dựa vào giá thị trường. Theo đó, từ 1-5, đối với tài sản không phải là hàng cấm còn phải dựa vào: Giá do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định; Giá do doanh nghiệp thẩm định giá cung cấp…Với tài sản là hàng cấm, phải dựa trên ít nhất một trong các căn cứ: Giá mua bán thu thập được trên thị trường không chính thức tại thời điểm và tại nơi tài sản là hàng cấm được yêu cầu định giá hoặc tại địa phương khác; Giá ghi trên hợp đồng hoặc hóa đơn mua bán hoặc tờ khai nhập khẩu hàng cấm…