Nhiều cá nhân đứng sau bảo kê cho xe quá tải

ANTD.VN - Trong năm 2017, lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện, kiểm tra và xử phạt hơn 56.000 trường hợp xe ô tô vận tải vi phạm quá khổ, quá tải. Bên cạnh những địa phương có kết quả công tác cao, vẫn còn nhiều nơi việc xử lý vi phạm này chỉ là hình thức, thậm chí vẫn có những cá nhân đứng sau, bảo kê cho xe quá tải...

Đại tá Lê Xuân Đức, Cục phó Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, để trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phục vụ công tác kiểm soát tải trọng xe, từ năm 2011 đến nay, đơn vị đã xây dựng, hoàn thiện và cấp phát 206 cân tải trọng cho công an các địa phương. Tuy nhiên, công tác kiểm tra giữa nhiều lực lượng còn chồng chéo, kém hiệu quả.

Hàng chục nghìn trường hợp vi phạm bị xử phạt

Trước những diễn biến phức tạp và hậu quả của các xe quá tải gây ra, ngày 25/11/2016, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 32 về tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện. Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công an, Cục CSGT đã có nhiều văn bản, kế hoạch hướng dẫn lực lượng CSGT toàn quốc điều tra cơ bản, xác định tuyến, địa bàn, đối tượng vi phạm đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất…, tập trung các tuyến quốc lộ và các địa bàn, địa phương trọng điểm.

Để trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phục vụ công tác kiểm soát tải trọng xe, từ năm 2011 đến nay, Cục CSGT đã tiến hành xây dựng, hoàn thiện và cấp phát 206 cân tải trọng cho Công an các địa phương (trong đó có 177 cân tải trọng xách tay, 29 cân tải trọng cố định lắp đặt tại các Trạm CSGT).

Lực lượng CSGT Hà Nội được đánh giá rất quyết liệt, hiệu quả trong công tác xử lý xe quá tải

Riêng trên tuyến Quốc lộ 1A, Bộ Công an đã tiến hành lắp đặt 14 hệ thống cân tải trọng tại Trạm CSGT Công an các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đồng Nai, Sóc Trăng, Bạc Liêu; đối với các tuyến quốc lộ trọng điểm (Quốc lộ 3, 5, 6, 14, 19, 48) lắp đặt 8 hệ thống cân tải trọng tại Trạm CSGT Công an các tỉnh Bình Phước, Đắk Lắk, Gia Lai, Hà Giang, Hòa Bình, Hải Dương, Nghệ An, Tuyên Quang.

Kết quả từ ngày 1/12/2016 đến ngày 31/12/2017, lực lượng CSGT đã kiểm tra phát hiện và lập biên bản 56.931 trường hợp vi phạm quá khổ, quá tải (vi phạm quá tải 44.712 trường hợp, vi phạm kích thước thành, thùng xe 12.219 trường hợp), chiếm 1,31 % tổng số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực TTATGT đường bộ; xử phạt nộp kho bạc Nhà nước 289 tỷ 753 triệu đồng, tạm giữ 3.422 phương tiện, tước quyền sử dụng GPLX 40.447 trường hợp, đã xử lý hạ tải đối với 25.628 phương tiện vi phạm với 49.708 tấn hàng.

Một số địa phương, lực lượng CSGT xử lý đạt kết quả cao và làm tốt công tác hạ tải, như: Hà Nội, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Nghệ An, Phú Thọ, Bình Định, Bình Dương, Bắc Giang, TP.Hồ Chí Minh, Long An, Hưng Yên…

Những trạm cân lưu động đã phát huy hiệu quả trong việc kiểm tra xe quá tải

Theo tìm hiểu của PV, một số địa phương bố trí lực lượng Công an phối hợp với Thanh tra giao thông tổ chức kiểm tra 28.995 phương tiện, phát hiện lập biên bản 2.949 trường hợp vi phạm quá khổ, quá tải. Trong đó, vi phạm quá tải 2.227 trường hợp, vi phạm kích thước thành thùng xe là 722 trường hợp.

Tỷ lệ giữa số phương tiện vi phạm chở quá tải trọng được phát hiện trên tổng số phương tiện đưa vào kiểm tra rất thấp như tại các tỉnh: Kon Tum chỉ có 62 phương tiện quá tải/6.292 phương tiện đưa vào kiểm tra (=0,9%); Đà Nẵng chỉ có 190 phương tiện quá tải/11.304 phương tiện đưa vào kiểm tra (=1,68%), Lai Châu chỉ có 67 phương tiện quá tải/3.602 phương tiện đưa vào kiểm tra (=1,83%); Hải Phòng chỉ có 51 phương tiện quá tải/1.683 phương tiện đưa vào kiểm tra (=3,03%). …

Giải quyết ngay những tồn tại

Cùng với việc chỉ ra những hạn chế, kết quả thấp trong công tác xử lý xe quá tải ở một số địa phương, Cục CSGT cũng cho biết, có không ít cá nhân đã bảo kê cho vi phạm này. Đây là một trong những lý do khiến cho hoạt động xe quá tải tại một số tuyến đường vi phạm vẫn cao. Vụ việc nhiều cán bộ của Thanh tra giao thông Cần Thơ vừa bị TAND tỉnh này tuyên án về hành vi nhận hối lộ để bảo kê hàng loạt đơn vị kinh doanh vận tải, xe quá tải là một ví dụ. Cơ quan CSĐT nhiều tỉnh cũng đã bắt, khởi tố không ít cán bộ thuộc Chi cục quản lý giao thông, Thanh tra giao thông... bảo kê, nhận hối lộ “bỏ qua” cho nhiều lái xe chở quá tải.

Để kiểm tra xử lý được một trường hợp vi phạm quá tải là rất khó khăn, trong khi đó nhiều lái xe tìm đủ mọi cách né kiểm tra

Cũng theo Đại tá Lê Xuân Đức, Thanh tra giao thông nhiều địa phương chưa thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ tại Chỉ thị số 32/CT-TTg và chỉ đạo của liên Bộ Công an - Bộ Giao thông vận tải tại Thông báo số 13 về việc kiểm soát tải trọng xe ngay tại đầu nguồn hàng, nơi tập kết hàng hóa, khu vực kho, cảng biển, cảng, bến thủy nội địa, bến bãi, nhà ga, mỏ vật liệu. Việc đặt cân, kiểm tra tại một điểm trên các tuyến giao thông còn chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, tuyến, địa bàn với lực lượng CSGT; công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện cam kết của các cá nhân, tổ chức còn chưa thường xuyên.

Hiện nay, Công an địa phương đã được trang cấp 392 cân tải trọng cố định và di động (trong đó Bộ Công an cấp 124 chiếc), tuy nhiên hiện có 84 chiếc đang phải chữa hoặc không sử dụng được.

Tại nhiều địa phương, lực lượng CSGT tăng cường tuần tra cả ban đêm để kịp thời phát hiện và xử lý xe quá tải

Trong quá trình sử dụng cân còn một số khó khăn, vướng mắc như: Một số cân tải trọng xách tay đã cũ, nhiều phụ kiện cồng kềnh khó di chuyển, quá trình sửa chữa còn mất nhiều thời gian; tìm địa điểm để đặt cân tải trọng xách tay ở một số đoạn, tuyến còn gặp nhiều khó khăn do mặt đường không bằng phẳng; việc trang bị cân tải trọng cho công an cấp huyện còn gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số doanh nghiệp vận tải, chủ hàng, chủ xe, lái xe, ý thức chấp hành pháp luật giao thông đường bộ, các quy định về vận tải đường bộ còn hạn chế; cố tình trốn tránh, không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng; có thủ đoạn như: đóng cửa xe bỏ đi hay thuê container vận chuyển hàng rồi kẹp chì gây khó khăn cho việc hạ tải; cố tình gây cản trở, ùn tắc giao thông, thuê người theo dõi nơi lực lượng CSGT kiểm soát, xử lý để tìm đường khác trốn tránh… thậm chí chống lại lực lượng thực thi công vụ.