Nhiều bệnh nhi được cứu sống nhờ ghép tế bào gốc

ANTĐ - Từ đầu năm đến nay, tại các bệnh viện khu vực phía Bắc, ít nhất đã có 3 bệnh nhi được cứu sống nhờ kỹ thuật ghép tế bào gốc. Các bác sĩ cho biết, trong tương lai gần ở nước ta, ghép tế bào gốc sẽ là một phương pháp hữu hiệu giúp cứu sống nhiều trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo.

Công đoạn truyền tế bào gốc cho bệnh nhân tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương

Tăng cơ hội sống cho người bệnh

Đầu tháng 3-2014, cháu Trần Ngọc A. (9 tuổi, ở Tiên Lữ, Hưng Yên) mắc bệnh suy tủy nặng đã được cứu sống nhờ ghép tế bào gốc tạo máu (ghép tủy) thành công. Đáng chú ý là trường hợp ghép tế bào gốc tạo máu này được thực hiện nhờ sự hợp tác chặt chẽ giữa 2 bệnh viện: Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương và Bệnh viện Nhi Trung ương. TS Dương Bá Trực, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, cháu Trần Ngọc A. được phát hiện suy tủy nặng từ tháng 10-2013. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, cháu đã được làm xét nghiệm hòa hợp mô (HLA) và được tìm thấy hòa hợp HLA với em ruột là cháu Trần Ngọc G., 6 tuổi. Nếu được ghép thì Trần Ngọc A. có cơ hội khỏi bệnh, nhưng ca ghép chưa được thực hiện vì chưa đủ kinh phí. Từ đó, cháu Trần Ngọc A. đã phải đến truyền hồng cầu và tiểu cầu nhiều lần để duy trì cuộc sống và chờ cơ hội ghép tế bào gốc tạo máu.

Theo TS Dương Bá Trực, cơ may đã đến với cháu Trần Ngọc A. khi các bác sĩ biết được Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đang triển khai ghép tế bào gốc tạo máu cho trẻ em và có khả năng quyên góp kinh phí để thực hiện những ca đầu tiên. Cháu Trần Ngọc A. đã được chuyển từ Bệnh viện Nhi Trung ương sang Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương để thực hiện ca ghép. Ngày 9-3, ca lấy tủy thu hoạch tế bào gốc tạo máu từ người cho là cháu Trần Ngọc G. đã thành công tốt đẹp, sau 1 giờ gây mê, các bác sĩ đã lấy đủ số lượng tủy để truyền. Ca ghép cho bệnh nhân A. được thực hiện ngay sau đó và hoàn thành trong 4 giờ ghép liên tục. Đến nay, sau khi ghép hơn 10 ngày, bệnh nhi Trần Ngọc A. có tình trạng ổn định, số lượng bạch cầu bắt đầu tăng dần.

Trước đó hơn 1 tuần, Bệnh viện Nhi Trung ương đã ghép tế bào gốc tạo máu điều trị thành công cho một cháu bé mắc bệnh Thalassemia. Đây là trường hợp ghép tế bào gốc tạo máu điều trị bệnh Thalassemia thứ 10 tại bệnh viện này. Trong khi đó, các bác sĩ Bệnh viện Vinmec, đứng đầu là GS.TS Nguyễn Thanh Liêm cũng lần đầu tiên tiến hành ca ghép tế bào gốc để cứu sống bệnh nhân B.D.N (13 tháng tuổi), bị di chứng bại não. Ca bệnh này bước đầu đã thành công và bệnh nhân sẽ tiếp tục được tiến hành bơm tế bào gốc lần 2 vào ngày 28-3 tới…

Mở ra hướng đi mới

Theo TS Dương Bá Trực, phương pháp điều trị các bệnh hiểm nghèo bằng ghép tế bào gốc đã phát triển rất mạnh trên thế giới nhưng ở Việt Nam mới được chú ý trong vài năm gần đây. TS Dương Bá Trực nhấn mạnh, ghép tế bào gốc tạo máu thành công đòi hỏi không chỉ có phương tiện máy móc, thuốc, hoá chất mà còn cần sự phối hợp của các bác sĩ có kiến thức về huyết học, miễn dịch, truyền máu. Để thực hiện được công việc này còn cần sự tham gia của các bác sĩ gây mê, điều trị hồi sức và một số chuyên khoa khác.

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm cho biết, với nguồn tế bào gốc phong phú từ máu cuống rốn đã được phát hiện và sử dụng rộng rãi trong những năm gần đây, khả năng ứng dụng tế bào gốc trong chữa bệnh tại nước ta chắc chắn ngày càng được mở rộng. Hiện chi phí 1 ca ghép tế bào gốc ở Việt Nam khoảng 120 – 150 triệu đồng. Sau những ca ghép tế bào gốc điều trị bệnh bại não, bệnh suy tủy, bệnh Thalassemia, tới đây Việt Nam sẽ tiến tới những ca ghép tế bào gốc điều trị bệnh tự kỷ và nhiều bệnh lý hiểm nghèo khác. Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương khẳng định, tế bào gốc giúp điều trị rất hiệu quả các bệnh về máu và trong tương lai Viện Huyết học- truyền máu Trung ương sẽ tiếp tục phát triển phương pháp này để cứu sống nhiều người bệnh hơn nữa. 

Tương tự, TS.BS Nguyễn Viết Lượng, Giám đốc Trung tâm Thẩm mỹ, Viện Bỏng Quốc gia – người đã gắn bó nhiều năm với tế bào gốc trong điều trị da – cho biết, sử dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh là hướng đi của y học thế giới. Không chỉ chữa hiệu quả các bệnh về máu, về da, tế bào gốc còn có nhiều tác dụng khác mà chúng ta đang dần khám phá.