Nhiếp ảnh Việt - Scandal cũng có "lối mòn"

ANTD.VN - Dù Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam đã trả lại giải thưởng do chính ông này… tự tay bỏ phiếu, song căn bệnh khá nặng của nhiếp ảnh trong nước vẫn tiếp tục được bàn đến những ngày qua. 

Tác phẩm “Công cụ”, ảnh ý niệm, hướng đi mới của nhà nhiếp ảnh Phan Quang

Chính vì scandal đã thành chuyện cơm bữa nên dẫu có ồn ào cũng không làm những người trong giới nhiếp ảnh ngạc nhiên. Một cuộc vui của giới nhiếp ảnh bỗng trở thành tâm điểm của dư luận cho những dị nghị, khúc mắc, lý do chỉ bởi bệnh thành tích lâu nay đã hằn sâu trong nếp suy nghĩ của nhiều nhà nhiếp ảnh Việt. 

Lại vẫn bệnh thành tích

Một giải thưởng, một tấm huy chương từ các cuộc thi sẽ giúp nhà nhiếp ảnh khẳng định được tên tuổi. Trong khi ấy, muốn trở thành hội viên Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam, các nghệ sĩ phải đạt đủ số điểm theo yêu cầu được tính từ các cuộc thi trong và ngoài nước. Do vậy, dù muốn hay không, thành tích vẫn phải đứng hàng đầu trong mối quan tâm của những người muốn có danh trong nghề.

Lại thêm tâm lý, phàm đã thi thố tài năng, ai cũng mong đoạt được giải thưởng cao nhất và rồi nhiều con đường “đi tắt”, “đón đầu” đã được chỉ ra như, nghiên cứu “gu” chơi ảnh của ban giám khảo kỹ càng để “chiều” theo, “đi đêm” và ngay cả hành động tự bỏ phiếu cho mình của Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Việt Nam vừa qua cũng là một trong những biểu hiện rõ rệt cho căn bệnh thâm căn cố đế của các nhà nhiếp ảnh Việt Nam.

 Kết quả là chất lượng các tác phẩm được chọn trưng bày và đoạt giải ảnh ngày một thấp, sự lặp lại hay dàn dựng khiên cưỡng vẫn đều đặn xuất hiện tại nhiều cuộc triển lãm khác nhau. Đã không ít người ngoại đạo thất vọng khi đi xem 2 cuộc triển lãm nhưng cảm giác lại rất giống nhau vì mô típ quen thuộc. 

Mặc kệ cảm giác của người xem, mặc kệ chất lượng ảnh, các tay máy vẫn đang đổ xô nhau đi thi với hy vọng tích cho đủ các màu huy chương để đạt được một vị trí “số má” trong làng nhiếp ảnh

Thế nhưng mặc kệ cảm giác của người xem, mặc kệ chất lượng ảnh, cảm giác làm người chiến thắng vẫn là một thứ xúc tác của hạnh phúc và các tay máy vẫn đang đổ xô nhau đi thi với hy vọng tích cho đủ các màu huy chương để đạt được một vị trí “số má” trong làng nhiếp ảnh. Những lối mòn cũ dễ đi được các nhà nhiếp ảnh dắt tay nhau đi mãi. 

Bệnh thành tích không chỉ ảnh hưởng tới các cuộc thi mà còn liên đới trực tiếp tới nền nhiếp ảnh Việt, tạo nên một đội ngũ “hữu danh vô thực”. Nghĩa là, dù giải thưởng họ giành được phải đếm trên cả… đầu ngón chân nhưng đều từ các cuộc thi ít uy tín, nhỏ lẻ tại các vùng miền trên nhiều đất nước khác nhau. Còn tiếng vang và độ lắng của tác phẩm hầu như nhạt nhòa. 

Tác phẩm “Tượng” của Phan Quang

Hữu xạ tự nhiên hương

Trái ngược với đó, nhiếp ảnh Việt vẫn còn không ít các tay máy không tham gia hội hè, chỉ chuyên tâm cho một hướng đi đã xác định trong nghề. Họ sáng tác lặng lẽ và bình thản đứng ngoài các cuộc thi. Phần thưởng các nhà nhiếp ảnh này nhận lại không phải là các tấm huy chương, thành tích nọ kia mà là sự công nhận của quốc tế và sự ghi nhận của giới làm nghề và người yêu nhiếp ảnh. Việt Nam có nhà nhiếp ảnh Phan Quang thầm lặng ở trong nước nhưng lại nổi tiếng ở nước ngoài. Tác phẩm của anh có mặt tại nhiều bảo tàng và sàn giao dịch nghệ thuật quốc tế. 

Gần đây, tay máy trẻ Maika Elan cũng cho thấy, việc vươn ra biển lớn, khẳng định mình tại các cuộc thi uy tín, không chạy theo căn bệnh thành tích cố hữu đã giúp Việt Nam sở hữu thêm các tấm ảnh đẹp và mang hơi thở thời đại mới. Các bức ảnh đẹp sẽ đi cùng thời gian, điều này hẳn nhiên luôn luôn đúng. 

Thế mới biết, khi xác định cho mình con đường đi trong nhiếp ảnh, các tay máy mới có đủ dũng khí để vươn lên, bước qua lằn ranh của những tham vọng tầm thường. Chính vì thế, một sự khiên cưỡng nào đó để các tác phẩm không xứng đáng được trao giải, rồi cũng sẽ nhạt nhòa theo năm tháng. Giá trị đích thực của nhiếp ảnh luôn nằm ở tầm cao của trí tuệ, khoảnh khắc đặc biệt và giá trị bền vững cùng thời gian. Đó là một hành trình dài theo đuổi nghề nghiệp, say mê bắt theo các khuôn hình.