Nhiệm vụ của nhà hát là sáng tạo, không phải kiếm tiền!

ANTĐ - Lộ trình tự chủ tại 3 đơn vị nghệ thuật thí điểm: Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Múa rối Việt Nam đã thực hiện được 1 năm.

Nhiệm vụ của nhà hát là sáng tạo, không phải kiếm tiền! ảnh 1Bộ VH-TT&DL sẽ có những điều chỉnh phù hợp trong quá trình tiến tới tự chủ hoàn toàn tại các nhà hát 

Nói về những khó khăn trong quá trình thực hiện, NSND Tạ Duy Ánh - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ những lo lắng: “Thời gian đào tạo diễn viên xiếc kéo dài nhưng tuổi nghề lại ngắn. Trong khi, lượng thí sinh dự thi tại trường Trung học Xiếc Việt Nam lại quá ít thì việc tinh giản bộ máy rất đáng lo ngại.

Từ ngày thực hiện cơ chế tự chủ, mỗi đoàn đã giảm số diễn viên xuống chỉ còn 25-30 người nhưng nếu tiếp tục giảm nữa thì chúng tôi không có người để diễn”. Đặc biệt, mới chỉ cắt giảm 30% kinh phí, nhưng 2 tháng cuối năm 2015, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã gặp khó khăn để đảm bảo đủ số lương cho hơn 200 nhân viên. Vì vậy, lộ trình tiến tới tự chủ hoàn toàn thực sự là vấn đề đáng lo ngại . 

Nhiệm vụ của nhà hát là sáng tạo, không phải kiếm tiền! ảnh 2

Theo ông Trương Nhuận - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, với cơ chế tự chủ, các diễn viên tài năng là người được hưởng lợi nhiều nhất. Tuy vậy, ông Trương Nhuận cũng cho rằng, cơ chế tự chủ sẽ thực sự là thách thức đối với các nhà hát không có nguồn thu từ việc cho thuê rạp và kinh doanh các dịch vụ khác. Năm 2016, 7 nhà hát khác sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình tự chủ là Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Kịch Việt Nam…

Trong số này, nhiều đơn vị hàng năm vẫn thường đi thuê rạp để biểu diễn sẽ càng gặp nhiều khó khăn hơn và nếu chỉ trông chờ vào doanh thu bán vé thì không thể có lãi. Chưa kể, văn hóa là loại hình đặc biệt, cái lợi không thể đo đếm bằng tiền nên trong quá trình tiến tới tự chủ tại các nhà hát vẫn đòi hỏi Nhà nước có các chính sách hỗ trợ, đầu tư về cơ sở vật chất, về việc dàn dựng tác phẩm.

Bà Ngô Thanh Thủy - Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam kiến nghị: “Nhà nước không nên đặt nặng việc một nhà hát phải kiếm được bao nhiêu tiền trong năm. Nhiệm vụ của các nhà hát là sáng tạo nên các tác phẩm đáp ứng yêu cầu thưởng thức văn hóa của công chúng. Nếu như đặt nặng việc kinh doanh, đảm bảo nguồn thu sẽ rất dễ dẫn đến các vở diễn không đảm bảo chất lượng nghệ thuật”.

Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng NSND Tạ Duy Ánh lại tỏ ra tin tưởng vào sự định hướng của Nhà nước với lý do: “Hiện nay, Nhà nước mới đang thực hiện thí điểm tại một số đơn vị nghệ thuật. Bộ VH-TT&DL vẫn đang bám sát từng nhà hát để đưa ra các điều chỉnh phù hợp. Tôi tin, Liên đoàn Xiếc Việt Nam sẽ không bị bỏ rơi”.