Nhiệm vụ của lực lượng chức năng Việt Nam là bảo vệ vững chắc chủ quyền

ANTĐ - Chiều 8-1, Bộ Ngoại giao tổ chức họp báo thường kỳ dưới sự chủ trì của bà Phạm Thu Hằng, Phó phát ngôn viên. Tại cuộc họp báo đầu tiên trong năm 2015, những chủ đề nóng như diễn biến trên Biển Đông, vụ khủng bố tòa soạn báo Charlie Hebdo ở Pháp và công tác bảo hộ người Việt ở nước ngoài được nêu ra.

Nhiệm vụ của lực lượng chức năng Việt Nam là bảo vệ vững chắc chủ quyền ảnh 1Bà Phạm Thu Hằng trả lời nhiều câu hỏi nóng từ các phóng viên

Trung Quốc vi phạm Tuyên bố DOC

Mở đầu cuộc họp báo, bà Phạm Thu Hằng cho biết năm 2015 tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt là tình hình Biển Đông, qua đó tác động trực tiếp toàn diện và nhiều chiều đối với môi trường, an ninh và phát triển của Việt Nam. Liên quan đến vấn đề này, Báo An ninh Thủ đô, Báo Tuổi Trẻ và Báo VnExpress đã nêu câu hỏi.

- An ninh Thủ đô và Vnexpress: Trung Quốc lần đầu tiên ngang nhiên công bố các hình ảnh về hoạt động trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ngày 6-1, Trung Quốc lại ngang nhiên tiếp tục thành lập trái phép 4 “Ban Vũ trang Nhân dân” ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Những động thái của phía Trung Quốc không giấu giếm trước dư luận quốc tế thể hiện toan tính cố tình thay đổi hiện trạng ở Biển Đông, xâm phạm trắng trợn chủ quyền Việt Nam và cố tình đặt những vi phạm chủ quyền ngang nhiên này vào “sự đã rồi”? Xin cho biết, Bộ Ngoại giao Việt Nam có phản ứng gì?

- Bà Phạm Thu Hằng: Chúng ta có đầy đủ căn cứ pháp lý, chứng cứ lịch sử về chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc làm này của Trung Quốc đã vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia, không có lợi cho việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải tại Biển Đông và không thay đổi được một thực tế là Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo này. Một lần nữa chúng tôi xin khẳng định mạnh mẽ chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Mọi hoạt động của các bên tại khu vực này mà không được sự đồng ý của Việt Nam là bất hợp pháp và vô giá trị.  

- Tuổi trẻ: Gần đây truyền thông Trung Quốc và lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư của Việt Nam có thông tin là giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đang di chuyển trên vùng biển quốc tế ở Biển Đông. Bộ Ngoại giao có xem xét thông tin này không và đề nghị cho biết quan điểm?

 - Bà Phạm Thu Hằng: Nhiệm vụ của lực lượng chức năng Việt Nam là bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông. Là một nước thành viên của Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, Việt Nam luôn thực hiện đầy đủ mọi quyền và nghĩa vụ của mình theo đúng quy định của luật pháp quốc tế, góp phần vào hòa bình, ổn định, tự do, an ninh và an toàn hàng hải tại Biển Đông. Chủ trương nhất quán của Việt Nam là giải quyết các vấn đề ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC). Việt Nam kiên quyết đấu tranh với các hành động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông.

Nỗ lực trong công tác bảo hộ công dân 

- An ninh Thủ đô: Tin từ  Cambodia Daily cho biết, nhiều người Việt sống ở Thủ đô Phnom Penh đã bất bình trước việc cảnh sát nhằm vào các cộng đồng và doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc kiểm tra thực hiện chính sách điều tra dân số người nước ngoài trên toàn Campuchia vừa qua. Đề nghị Bộ Ngoại giao cho biết thông tin và quan điểm?

- Bà Phạm Thu Hằng: Phía Campuchia vừa tiến hành điều tra số người nước ngoài trên toàn Campuchia. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia  theo dõi sát tình hình và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng Campuchia để có các biện pháp giúp đỡ, bảo hộ các quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân Việt Nam theo đúng các quy định, phù hợp với thông lệ và luật pháp quốc tế cũng như quan hệ láng giềng, hữu nghị truyền thống giữa Chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam và Campuchia.

- An ninh Thủ đô: Đề nghị Bộ Ngoại giao cho biết thông tin về công tác bảo hộ công dân Việt Nam sau sự việc cảnh sát Malaysia giải cứu 136 phụ nữ Việt Nam tại một hộp đêm ở nước này vào ngày 3-1 vừa qua?

- Bà Phạm Thu Hằng: Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ việc, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia liên hệ với các cơ quan chức năng của Malaysia khẩn trương xác minh vụ việc cũng như danh tính của những người liên quan. Những phụ nữ này đã được chuyển đến trung tâm bảo trợ xã hội của Malaysia. Sau khi xác minh được nhân thân của những người này, chúng tôi sẽ tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết.

- Người Lao động: Xin cho biết thông tin về hai thuyền viên Việt Nam mất tích trong vụ tàu Munseong 103 hôm 5-1?

- Bà Phạm Thu Hằng: Cục Lãnh sự của Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đã đề nghị các cơ quan hữu quan của Hàn Quốc tiếp tục tìm kiếm và phối hợp với phía Việt Nam để xử lý tiếp các vấn đề có liên quan, thông báo cho Việt Nam kết luận của vụ tai nạn sau khi kết thúc quá trình điều tra. Thông tin mới nhất chúng tôi nhận được, Hàn Quốc đã đề nghị gia đình của những người này cũng như phía Việt Nam cung cấp mẫu ADN chuyển cho phía họ trong nỗ lực tìm kiếm hai thuyền viên mất tích này.