Nhiệm vụ bất khả thi?

ANTĐ - Đề án thành lập Tổng cục Quản lý và giám sát vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước đã được Bộ Tài chính hoàn tất và trình Thủ tướng Chính phủ. Được biết sẽ có khoảng 80 công chức “ăn lương” Bộ Tài chính để làm công việc giám sát thường xuyên hoạt động của các doanh nghiệp này. Kỳ vọng được đặt ra là đội ngũ cán bộ không ăn lương của doanh nghiệp sẽ giúp Bộ “phát hiện” kịp thời những sai sót trong sử dụng vốn Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty. 

Tính đến năm 2011, tổng số vốn chủ sở hữu của các tập đoàn và tổng công ty Nhà nước là 653.000 tỷ đồng. Tỷ lệ vốn vay bình quân là 1,67 lần, con số không cao so với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, có tới 7 tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ ở mức 5-10 lần là rất cao. Khu vực chiếm tỷ trọng nợ xấu lớn nhất chắc chắn là các doanh nghiệp Nhà nước, mà “đầu tàu” chính là các tập đoàn, tổng công ty. Nhiều năm qua con số nợ đến hạn phải trả ở các doanh nghiệp này lên đến hàng chục tỷ đồng và biến thành nợ xấu.

Riêng hai vụ Vinashin và Vinalines gây chấn động với tổng nợ mà chủ yếu là nợ xấu, đã lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Có ý kiến cho rằng, thành lập công ty mua bán nợ có thể giải quyết các khoản nợ cũ. Song, làm sao bịt được “lỗ hổng” quản lý vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước mà cơ chế tài chính vẫn tồn tại những điểm yếu để dựa vào đó hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ? Chẳng hạn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn lại tìm cách giãn khấu hao.

Khi tính toán chênh lệch tỷ giá, về nguyên tắc thị trường là phải tính đủ thì họ lại cho mình được quyền tính thiếu. Làm cách nào để bảo đảm được nguyên tắc doanh nghiệp Nhà nước phải tập trung nguồn vốn chủ sở hữu Nhà nước 653.000 tỷ đồng vào những nhiệm vụ quan trọng, cốt lõi mà Nhà nước giao phó? Chính vì vậy, việc thành lập Tổng cục Quản lý và giám sát vốn Nhà nước, tài sản Nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước, được kỳ vọng sẽ đảm bảo tính bình đẳng, công khai, minh bạch giám sát thường xuyên kịp thời để phòng chống thất thoát tiêu cực, lãng phí.

Vấn đề đặt ra ở đây, không phải là chuyện tin hay không tin tiền của Nhà nước được giao tận tay các doanh nghiệp của Nhà nước lại bị chính “con đẻ” xà xẻ, bớt xén: Thế nhưng, chuyện “vung tay quá trán”, đầu tư ngoài ngành nhất là những “tấm gương” làm ăn thua lỗ, bê bết của một số tập đoàn, tổng công ty mà Thanh tra Nhà nước, Chính phủ đã liệt kê danh sách là một sự thật không thể phủ nhận. Rõ ràng phải có một lực lượng “tinh nhuệ” quản lý và giám sát vốn và tài sản của Nhà nước. Liệu 80 cán bộ của Bộ Tài chính được biệt phái xuống các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước sẽ được trao “công cụ” gì, quyền hành gì để thực thi nhiệm vụ, trong khi những người đứng đầu các tập đoàn, tổng công ty là người  do các bộ và Chính phủ bổ nhiệm? Đó là chưa kể hoạt động của các “ông lớn” này cũng như quyết định đầu tư dự án hàng nghìn tỷ đồng đều vượt tầm kiểm soát của Bộ Tài chính hoặc Bộ Kế hoạch - Đầu tư.

Có thể thấy trước thẩm quyền và nhiệm vụ được trao cho Tổng cục Quản lý và giám sát vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước là nhiệm vụ bất khả thi. Không nên đặt quá nhiều kỳ vọng đơn vị này.