Nhiễm sán lợn có chữa được không?

ANTD.VN - Người bị nhiễm sán lợn cần được điều trị bằng thuốc đặc hiệu. Ở những trường hợp mới nhiễm sán, việc điều trị đơn giản hơn những người bị sán lâu ngày khiến sán đóng kén.

Như Báo NLĐ đã đưa tin, chỉ trong ngày 15-3 và sáng 16-3, đã có tới hơn 1.200 trẻ từ 1-6 tuổi sống trên cùng một huyện ở Bắc Ninh được xét nghiệm nhiễm sán lợn. Riêng sáng 16-9, đã có thêm gần 900 trẻ được xét nghiệm.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã phải huy động hội trường và 6/8 phòng khám cùng khám cho bệnh nhân

Sáng 16-3, có thêm khoảng 500 trẻ ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh tới khám, xét nghiệm sán lợn ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Các bác sĩ huy động tới 6/8 phòng khám để đáp ứng nhu cầu xét nghiệm, khám của các bé. Trước đó, sáng 15-3, có gần 200 trẻ ở huyện Thuận Thành cũng đã được bệnh viện này tiến hành xét nghiệm.

Trong khi đó, tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, trong sáng 16-3 cũng tiếp nhận gần 400 trường hợp tới xét nghiệm sán lợn trong đó đã phát hiện 2 trường hợp dương tính với sán lợn.

Như vậy, từ ngày 12 đến trưa 16-3, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương đã xét nghiệm sán lợn cho hơn 1.200 trường hợp, phần lớn là trẻ từ 1-10 tuổi ở huyện Thuận Thành, trong số này đã phát hiện 64 trẻ nhiễm sán lợn.

Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam phát hiện ổ dịch sán lợn lớn. Trước đó, năm 2018 đã từng phát hiện một ổ với hơn 100 người mắc sán lợn ở thôn Bù Gia Phúc I, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nhiễm sán, nhưng chủ yếu là do ăn uống không hợp vệ sinh, ăn phải thức ăn sống có chứa nang sán.

Nguyên nhân mắc sán

Thông tin trên Báo Dân trí, theo Giáo sư Nguyễn Văn Đề - nguyên Trưởng Bộ môn Ký sinh trùng – Trường Đại học Y Hà Nội, số bệnh nhân mắc sán lợn trong cộng đồng không phải là hiếm. Ở Việt Nam có tới 50 tỉnh từng có bệnh nhân mắc sán dây lợn, trong đó nam giới chiếm 70%, có bệnh nhân mang tới 300 nang sán dưới da, đa số bệnh nhân mang nang sán dưới cơ kèm theo nang sán trong não.

Nguyên nhân là do việc chăn nuôi, canh tác còn nhiều hạn chế (sử dụng phân tươi, vệ sinh kém).

Việc ăn phải sán gạo lợn không nguy hiểm bằng ăn phải nang sán vì nang sán sẽ phát triển thành sán nhanh hơn.

Nguồn nhiễm không chỉ là ở thịt lợn có nang sán mà cả rau quả sống cũng có thể bị nhiễm sán. Vì người nhiễm sán đi đại tiện, đốt sán rụng theo phân và giải phóng ra môi trường - côn trùng tha phân đi và nếu ăn phải rau sống chưa nấu chín có nang sán này.

Ngoài ra, một số bệnh nhân còn tự nhiễm vì bản thân đốt sán sinh ra cả nghìn trứng và trứng sán này tiếp túc phát triển trong cơ thể, di chuyển đến các cơ vân, mắt, não. Lúc đó bệnh nhân nặng hơn.

Khi ăn phải sán lợn gạo thì chỉ từ 10 đến 15 ngày sau, khi xét nghiệm máu bằng phương pháp ELISA sẽ có thể phát hiện dương tính với sán hay không.

Có thể bị động kinh, liệt nếu bị nhiễm sán lợn

Theo Báo Lao động, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cũng vừa phát đi thông điệp về bệnh sán dây lợn (lợn gạo) và các biện pháp phòng bệnh. Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh sán dây/ ấu trùng sán dây lợn hay còn gọi là bệnh sán dải phân bố ở nhiều nơi trên thế giới. Việc mắc bệnh liên quan đến tập quán ăn uống, ăn thịt lợn chứa ấu trùng sán chưa nấu chín.

Theo số liệu được báo cáo qua các nghiên cứu, qua các cơ sở điều trị đến nay có ít nhất 55 tỉnh, thành có ca bệnh sán dây/ấu trùng sán lợn.

Tùy thuộc vào vị trí ký sinh của nang sán mà có những biểu hiện khác nhau. Nếu nang sán nằm trong cơ sẽ thấy có những u nhỏ, chắc, kích thước khoảng 1 - 2 cm hoặc bằng hạt đỗ, hạt lạc, di động dễ, không ngứa, không đau.

Nếu nang sán nằm trong não, người bệnh có thể bị động kinh, liệt tay, chân hay liệt nửa người, nói ngọng, rối loạn trí nhớ hoặc đau đầu dữ dội. Nếu nang sán nằm trong mắt có thể gây tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc mù.

Để chủ động phòng bệnh sán dây và ấu trùng sán dây lợn, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân: Không ăn các thực phẩm sống như thịt lợn, nem chua, thịt lợn tái (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn). Người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi; quản lý chặt chẽ tiêu chuẩn vệ sinh các lò mổ lợn (heo).

Điều trị bệnh sán lợn

Theo GS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân nhiễm sán lợn sẽ phải điều trị bằng thuốc đặc hiệu. Thuốc điều trị bệnh và ấu trùng bệnh sán dây lợn là Praziquantel, Niclosamide và Albendazole. Phác đồ điều trị có thể áp dụng ở bệnh viện từ tuyến huyện trở lên. Không nên điều trị bằng thuốc đông y, thuốc nam hoặc các thuốc cổ điển đối với bệnh sán dây lợn vì dễ xảy ra biến chứng nguy hiểm.

Việc điều trị sán lợn và ấu trùng sán lợn có thể từ 2 ngày đến 2 tuần để sạch sán.