Nhiễm giun hít thở cũng lây

ANTĐ - Viện Sốt rét ký sinh trùng Trung ương ước tính cả nước có 65 triệu người nhiễm giun, chiếm ¾ dân số. Tỉ lệ nhiễm giun ở trẻ em miền Bắc cao hơn so với trẻ em miền Nam. Hầu hết giun xâm nhập vào cơ thể qua các đường chính là đường tiêu hóa, đường hô hấp, và xâm nhập qua da.

Giun kim trong ruột người

Đường nào cũng… nhiễm giun

Tùy theo cấu trúc và điều kiện sống của từng loại giun dẫn đến nhiều nguyên nhân nhiễm giun khác nhau. Đối với giun đũa và giun tóc người bị nhiễm giun do nuốt nhầm trứng giun có trong rau, trong nước, trong đất, v.v. Trong khi đó, trứng giun kim rất nhẹ, có thể bay trong không khí nên việc hít phải trứng giun kim là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Khi xâm nhập vào cơ thể, giun kim thường bò ở rìa hậu môn đẻ trứng gây cảm giác ngứa và khó chịu vì thế sẽ làm cho người bị nhiễm gãi, trứng giun lại tiếp tục bám vào ngón tay, móng tay.   

Giun móc chủ yếu lây nhiễm qua da. Ấu trùng giun móc tồn tại trong đất, khi tiếp xúc với đất như đi chân đất, chơi đùa trên đất, làm ruộng … mà không mang găng, đi ủng, ấu trùng giun móc sẽ chui qua kẽ tay, kẽ chân vào cơ thể người.

Môi trường, điều kiện sống, ý thức giữ gìn vệ sinh của người dân chưa được nâng cao và toàn diện, do đó không ngạc nhiên khi Viện Sốt rét kí sinh trùng Trung ương thống kê hơn 3/4 người dân Việt Nam nhiễm giun. Con số này tương đương hơn 65 triệu người. 

Biến chứng nguy hiểm từ giun

Hệ lụy của việc nhiễm giun thường thấy nhất là những triệu chứng như dị ứng da (nổi mề đay, phát ban), dị ứng thức ăn… Có không ít người thường nhầm những triệu chứng này liên quan đến các bệnh da liễu mà ít ai nhận ra “hung thủ” chính là giun.

Giun tóc hay giun móc khi vào cơ thể sẽ gây ra cho nạn nhân những dấu hiệu của thiếu máu, gây mệt mỏi, hồi hộp, chóng mặt, nhức đầu, da xanh xao, hoặc nặng hơn là suy tim do tình trạng thiếu máu kéo dài. Các chuyên gia y tế cũng cảnh báo, mỗi năm người Việt Nam mất 28,5 triệu lít máu để nuôi giun.   

Nguy hiểm hơn khi không điều trị kịp thời, ấu trùng của giun có thể chui vào não, mắt, ống mật… gây ra những biến chứng nguy hiểm dẫn đến tử vong. Vì vậy, cần phải tẩy giun định kỳ hai lần trong năm cho cả trẻ em và người lớn. Tuy nhiên, với những loại giun sán khác như giun lươn, giun đũa chó, giun đầu gai, sán lá gan cần có sự can thiệp của bác sĩ. Bên cạnh đó cần giữ gìn vệ sinh cá nhân như rửa tay thường xuyên, cắt ngắn móng tay, hạn chế cho trẻ em mút, ngậm đồ chơi; mang giày dép, găng tay khi tiếp xúc với đất ẩm. Cần thực hiện ăn chín, uống sôi, rửa rau dưới vòi nước phun mạnh.