Nhiễm ấu trùng sán lợn: Nguy hiểm khôn lường

ANTD.VN - Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp, thì thông tin trường mầm non ở Thanh Khương – Thuận Thành – Bắc Ninh đưa thực phẩm bẩn, thịt lợn nhiễm sán vào bữa ăn của học sinh khiến dư luận bức xúc. Vậy nhiễm ấu trùng sán lợn nguy hiểm thế nào?

Theo VietTimes, ngày 15-3, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết Bệnh viện này vừa tiếp nhận hơn 200 học sinh của Trường Mầm non Thanh Khương (Bắc Ninh) đến khám vì sợ nhiễm sán lợn.

Nhiễm ấu trùng sán lợn: Nguy hiểm khôn lường ảnh 1 

Một học sinh của trường được xác nhận dương tính với sán lợn

Việc kiểm tra xét nghiệm tập trung cho các em học sinh sau khi có 3 em bé ăn thịt lợn của trường nghi nhiễm sán và cả 3 bé đều dương tính với sán lợn.

Sự việc bắt nguồn vào cuối tháng 2-2019, khi nhiều phụ huynh đăng tải video cho thấy thịt lợn nổi nhiều hạch trắng, có dấu hiệu bệnh sán gạo. Đến ngày 5/3, phụ huynh học sinh lại phát hiện thịt gà nấu cho học sinh là thịt đông lạnh đã bị mủn, có mùi, khác với cam kết cung cấp thịt tươi sống của nhà cung cấp. Hiên cơ quan chức năng địa phương đã vào cuộc để làm rõ vụ việc.

Sán lợn nguy hiểm thế nào?

Nhiễm ấu trùng sán lợn: Nguy hiểm khôn lường ảnh 2 

Thịt lợn nổi nhiều hạch trắng được sử dụng để chế biến thức ăn cho trẻ ở Trường Mầm non Thanh Khương (Bắc Ninh)

Theo Infonet, Thạc sĩ Mai Anh Lợi, Viện Sốt rét – ký sinh trùng – Côn trùng TP. HCM cho biết, bệnh lợn gạo có tên khoa học Cysticercus cellulosae, là bệnh gây ra bởi ấu trùng sán gạo lợn (sán dải lợn, sán dây lợn) có tên khoa học Toenia solium. Sán gạo lợn dài trung bình từ 2-3 mét, thậm chí có thể lên đến 8 mét, đầu nhỏ, hơi tròn, đường kính khoảng 1 mm, có bộ phận nhô lên, có 2 vòng móc (22-32 móc) và 4 giác ở 4 góc. Ngoài lợn ra, chó mèo hoặc người đều có thể là vật chủ phụ của sán gạo lợn.

Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến nhiễm ấu trùng sán gạo lợn là do ăn thịt lợn chưa nấu chín kỹ. Nguyên nhân gián tiếp là tập quán chăn nuôi thả rông và tự giết mổ không thông qua cơ sở giết mổ đạt chuẩn. Trứng của sán gạo lợn có thể tồn tại từ 2-3 tháng trong môi trường tự nhiên. 

Thông thường loại sán này trưởng thành gây bệnh cho người luôn ký sinh tại ruột non. Tuy nhiên, ấu trùng sán có thể đi “lạc chỗ”, gây bệnh ở các cơ quan như não, cơ, mô dưới da,… Nguyên nhân là do hiện tượng phản nhu động ruột đưa ngược trứng sán trở lại đoạn đầu ruột non, rồi trứng tiếp tục theo đường tiêu hóa, vào máu đi chu du khắp cơ thể và gây bệnh tại những nơi chúng trú lại. Đồng thời ấu trùng này phát triển đi vào ngõ cụt và không thể thành sán trưởng thành.

Sán gạo lợn là một bệnh mạn tính có tổn thương ở da, cơ, não… căn nguyên do các u nang sán heo (trong có đầu sán) gây nên. Biểu hiện lâm sàng tùy theo vị trí khu trú của nang ở da ảnh hưởng tới thẩm mỹ, ở não có thể gây động kinh, giảm trí nhớ hoặc rối loạn vận động.

Hậu quả để lại

Theo báo Hà Nội mới, nếu nhiễm sán lợn mà nang sán nằm trong não, người bệnh có thể bị động kinh, liệt tay chân hay liệt nửa người, nói ngọng, rối loạn trí nhớ hoặc đau đầu dữ dội...

Nhiễm ấu trùng sán lợn: Nguy hiểm khôn lường ảnh 3 

Sán lợn dưới da tay người

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tùy thuộc ăn hay nuốt phải trứng, hay nang ấu trùng, có thể mắc các thể bệnh liên quan đến sán lợn.

Chẳng hạn, với bệnh ấu trùng sán lợn, người ăn phải trứng sán dây lợn nhiễm trong thức ăn, sau khi ăn hay nuốt phải trứng sán, trứng vào dạ dày, nở ra ấu trùng, đến ruột non, ấu trùng xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu và di chuyển đến ký sinh tại các cơ vân, não, mắt… Trường hợp này là nhiễm từ môi trường bên ngoài cơ thể nên có thể thấy ít ấu trùng ở các mô.

Trong trường hợp người bệnh có sán trưởng thành trong ruột, khi đốt sán già rụng, có thể đốt sán bị trào ngược lên dạ dày do phản ứng của nhu động ruột, sẽ tương tự như ăn phải đốt sán mới, do đó số lượng ấu trùng sẽ rất lớn. Ấu trùng sán theo máu đến các cơ, mắt hay não của người và sẽ hóa nang. Tùy thuộc vào vị trí ký sinh của nang sán mà người nhiễm có những biểu hiện khác nhau. Nếu nang sán nằm trong cơ sẽ thấy có những u nhỏ, chắc, kích thước khoảng 1-2cm hoặc bằng hạt đỗ, hạt lạc, di động dễ, không ngứa, không đau, nằm ở vị trí cơ vân, không ở trên đường đi của hạch bạch huyết; nếu nang sán nằm trong não, người bệnh có thể bị động kinh, liệt tay chân hay liệt nửa người, nói ngọng, rối loạn trí nhớ hoặc đau đầu dữ dội; nếu nang sán nằm trong mắt có thể gây tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc mù.

Với bệnh sán trưởng thành ở ruột, người bệnh ăn phải thịt lợn sống hay chưa chín có chứa các nang sán (lợn gạo), khi đến dạ dày, ấu trùng sán sẽ thoát nang và bám dính vào ruột non rồi phát triển thành sán dây trưởng thành. Sán dây trưởng thành phát triển dần bằng cách nẩy chồi, sinh đốt mới từ cổ, tạo ra hàng ngàn đốt sán mới, mỗi đốt có khoảng 50.000 trứng, kéo dài chiều dài của sán trưởng thành lên tới 2 đến 12 mét, và chúng ký sinh trong ruột non nhiều năm. Bệnh sán dây trưởng thành thường không biểu hiện triệu chứng rõ rệt, chủ yếu là người bệnh có cảm giác khó chịu, bứt rứt, có những đốt sán tự rụng theo phân ra ngoài. Đốt sán là những đoạn nhỏ, dẹt, trắng ngà như xơ mít, đầu sán phẳng, một số trường hợp phát hiện thấy có trứng sán trong phân.