Nhẹ lòng mà đến khai trường

ANTĐ - Đợt 1 cuộc “chạy đua” vào trường ĐH, CĐ đã kết thúc. Dư âm của cuộc xét tuyển chắc chắn sẽ còn đọng lại, còn được “mổ xẻ”, phân tích và rút kinh nghiệm với ngành giáo dục. 

Đổi mới một kỳ thi quốc gia không thể tránh khỏi những sự cố, trục trặc ngoài dự liệu, vậy nên ý tưởng cải tiến của ngành giáo dục vẫn rất đáng ghi nhận. Cũng như chủ trương thay đổi hoàn toàn từ hình thức đến nội dung việc tổ chức ngày khai giảng năm học mới 2015-2016 đang thu hút sự quan tâm của xã hội.

Mục tiêu của kỳ thi kiểu mới khá rõ ràng: tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc cho xã hội, giảm áp lực cho thí sinh. Đổi mới triệt để cách thức tổ chức ngày khai trường cũng nhắm vào mục tiêu đó, song còn một cái đích xa hơn: “tuyên chiến”, nói “không” với bệnh hình thức, khuôn mẫu sáo rỗng và sáo mòn trong nhà trường, trong tư duy, giáo dục từ lãnh đạo cho tới đội ngũ giáo viên và cả triệu học sinh cả nước.

Đổi mới trước hết là, đúng vào ngày 5-9, đồng loạt các nhà trường trong toàn quốc đều gióng lên hồi trống khai trường, mở đầu một năm học mới. “Ngày toàn dân đưa con em tới trường” phải mang đầy đủ ý nghĩa sâu xa và quan trọng đó. Đây phải là ngày hội của học sinh, của thầy cô, chứ không thể biến thành ngày căng băng rôn, treo đèn, kết hoa để đón rước các vị quan khách, sau đó, học sinh xếp hàng nghiêm chỉnh giữa sân trường, nhễ nhại mồ hôi, mệt mỏi bã người nghe những bài diễn văn lê thê, mà thực ra chẳng hề thấm vào đầu óc trẻ thơ.

Dư luận phụ huynh và xã hội, thậm chí trên báo chí đã đăng tải ý kiến của không ít thế hệ học sinh bày tỏ tâm trạng, ấn tượng nhàm chán, hầu như vô nghĩa, vô vị sau bao năm được dự lễ khai giảng. Những kỷ niệm, dấu ấn hết sức mờ nhạt, dường như không đọng lại gì trong ký ức tuổi học trò. Có thể nói, nhiều năm nay, ngày khai trường thực chất là dành cho người lớn. “Nhân vật” chính, trung tâm của ngày hội không phải là học sinh, thầy cô và nhà trường. Từng có những hiệu trưởng trường phổ thông thừa nhận rằng, trước ngày khai giảng, nhà trường thường phải chạy ngược, chạy xuôi để mời đón bằng được quan khách “bớt chút thời gian” tới dự để thêm phần long trọng, vinh dự...

Tất cả những hình thức, những thủ tục rườm rà đó sẽ chấm dứt từ năm học mới này. Những cuộc “trình diễn”, tổng duyệt khai giảng sẽ không còn tái diễn, “hành hạ” trò và thầy. Ngành giáo dục đã chỉ đạo sở giáo dục-đào tạo các tỉnh, thành triển khai thực hiện ngay việc đổi mới ngày khai trường theo hướng đơn giản, gọn nhẹ trong khoảng một giờ đồng hồ, nhưng vẫn giữ được đầy đủ ý nghĩa sâu sắc và thiết thực. Hàng triệu học sinh cũng như phụ huynh cả nước chắc chắn sẽ “nhẹ lòng”, hào hứng bước tới trường. Các bộ, ngành đang nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, không có lý gì học sinh đến trường cũng bị “hành” những thủ tục nhiêu khê.