"Nhảy việc" coi chừng con dao hai lưỡi

ANTD.VN - Khảo sát thực tế cho thấy lý do phổ biến khiến người lao động thay đổi công việc là chưa hài lòng với mức lương thưởng, đãi ngộ và cơ hội phát triển hiện tại. Tuy nhiên, các chuyên gia nhân sự cho rằng, người lao động cần suy nghĩ kỹ càng trước khi quyết định "nhảy việc".

Phần lớn người "nhảy việc" là những lao động trẻ

Tết Nguyên Đán cận kề khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu vì tình trạng khan hiếm lao động do tâm lý chờ thưởng Tết và xu hướng "nhảy việc" sau Tết. Theo kết quả khảo sát của mạng lưới quảng cáo việc làm số 1 trong khu vực Đông Nam Á, tỷ lệ người lao động có nhu cầu thay đổi việc làm sau Tết thường ở mức 66%. Trong đó, chiếm phần đông là lao động trẻ. Đây là những đối tượng ham học hỏi và thích có môi trường làm việc năng động, phù hợp với sở trường của bản thân và chế độ lương, thưởng cao.

Được đánh giá là học hỏi nhanh, có nhiều sáng kiến trong lĩnh vực phụ trách, song anh Trần Văn Nam (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, sau Tết anh vẫn quyết định chuyển sang công ty mới. "Môi trường làm việc hiện tại quá gò bó. Công việc lặp đi lặp lại một cách nhàm chán. Điều quan trọng là chế độ đãi ngộ kém hấp dẫn, chưa xứng đáng với những đóng góp của tôi" anh Trần Văn Nam chia sẻ.

Bất mãn với mức lương thưởng quá "bèo" chị Nguyễn Thùy Trang (Hai Bà Trưng, Hà Nội) khẳng định: "Sau kì nghỉ Tết kéo dài, tôi sẽ tìm một công việc khác. Mức sống ở thành phố quá cao, số lương hiện tại không đủ trang trải; không có cơ hội thăng tiến trong công việc. Tôi thấy, nhiều công ty về bất động sản có chế độ đãi ngộ khá hấp dẫn. Tôi dự định sẽ ứng tuyển. Mặc dù sẽ có khó khăn nhất định, nhưng tôi nghĩ mình còn trẻ, không thể lãng phí cơ hội".

Đề cập đến tình trạng người lao động thay đổi công việc sau Tết, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho hay đây là câu chuyện "đến hẹn lại lên" trong thị trường lao động tại các địa phương mà đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội. Để tránh tình trạng lao động nhảy việc sau Tết, gây ảnh hưởng đến chất lượng công việc, các doanh nghiệp đã đưa ra những giải pháp khác nhau để giữ chân người lao động.

Về Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, từ đầu tháng 11 đến nay, Sở đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm bán thời gian dành cho nhóm lao động đặc thù. Những đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng nhiều lao động thời vụ được đưa về các sàn giao dịch việc làm vệ tinh ở khu vực ngoại thành để tuyển dụng. Sau Tết Nguyên đán, Trung tâm cũng sẽ tiếp tục tổ chức các phiên giao dịch việc làm để kết nối người lao động và doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia nhân sự "nhảy việc" là xu hướng tất yếu của nền kinh tế thị trường,  vì mối quan tâm lớn nhất của người lao động là quyền lợi, thu nhập và khả năng thăng tiến.

Dưới góc độ nhà tuyển dụng, đa số đều cho rằng người trẻ có thể chuyển việc, nhưng nếu chuyển  quá nhiều công việc trong 1 thời gian ngắn, sẽ tạo ra sự xáo trộn trong công việc sẽ không được đánh giá cao. Do đó, lao động trẻ cần lưu ý "nhảy việc"có thể mở rộng con đường thăng tiến nhưng hết sức cẩn trọng vì nó là con dao hai lưỡi. Nếu không xác định rõ mục tiêu, thì có nhảy việc nhiều lần cũng vẫn phải bắt đầu lại với mức lương khởi điểm.

Đầu năm là thời điểm có nhiều cơ hội để người lao động tìm được công việc mới đúng như mong muốn. Điều này đồng nghĩa với sự cạnh tranh giữa các ứng viên trong cùng một vị trí sẽ khốc liệt hơn. Do đó, nếu chưa xác định được mục tiêu rõ ràng, người lao động cần suy nghĩ kỹ trước khi "nhảy việc".