Nhật - Trung: Nguy cơ xung đột quân sự

ANTĐ - Ngày 14-12, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này đã chính thức trình các tài liệu chi tiết lên Liên hợp quốc khẳng định tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với khu vực biển đảo trên Biển Hoa Đông. Trung Quốc tuyên bố vùng lãnh hải cách bờ biển Trung Quốc 370km là vùng ven biển đặc quyền kinh tế của Trung Quốc. Đòi hỏi này của Bắc Kinh đã chồng lấn lên vùng lãnh hải của Nhật. Việc này có thể sẽ làm “nóng” thêm tranh chấp lãnh thổ lâu dài về quần đảo ( mà Nhật Bản gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) trên Biển Hoa Đông giữa Nhật Bản và Trung Quốc từ tháng 9 vừa qua ngày một gia tăng.

Hành động “cực kỳ tệ hại” 

Trong một diễn biến mới nhất có liên quan, Nhật Bản đã phản ứng dữ dội khi máy bay Trung Quốc vi phạm không phận hôm 13-12. Các máy bay tiêm kích F-15 của Nhật đã được điều động cất cánh khẩn cấp sau khi một máy bay của Cơ quan Quản lý Hải dương Trung Quốc xâm nhập không phận ở gần đảo Uotsuri của Nhật Bản vào lúc 11 giờ sáng (giờ địa phương) ngày 13-12.

Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda cũng đã ra lệnh các cơ quan chức năng của Chính phủ phải cận trọng hơn trong vấn đề cảnh báo và giám sát. Nhật Bản đã kiểm soát quần đảo này trong nhiều thập kỷ qua tuy nhiên gần đây Trung Quốc ngày càng tỏ ra quyết liệt trong tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này. 

Vụ máy bay Trung Quốc lần đầu tiên bay qua quần đảo Senkaku/Điếu Ngư diễn ra chỉ một vài ngày sau khi Trung Quốc cho tàu tuần tra lớn nhất và hiện đại nhất - Yuzheng 206 thực hiện hải trình đầu tiên bằng chuyến đi tuần tra ở vùng biển gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) cho biết 4 tàu hải giám của Trung Quốc sáng cùng ngày 13-12 cũng xâm nhập vào vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Chánh văn phòng nội các Nhật Bản, Osamu Fujimura đã gọi hành động của Trung Quốc là “cực kỳ tệ hại” và cho biết một nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc tại Nhật đã được triệu tập.

Sau khi Nhật Bản phản đối máy bay Trung Quốc xuất hiện tại không phận quanh Senkaku, tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nói rằng chuyến bay này đã được đưa vào lộ trình hoàn toàn bình thường và đưa ra tuyên bố Nhật Bản nên dừng các hoạt động hải quân và không quân tại quần đảo này. 

Tuy nhiên, ông Takashi Kitamura, người đứng đầu Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết tại một buổi họp báo: “Khi Trung Quốc đã công khai nói rằng đây là một hoạt động thường xuyên, chúng tôi sẽ chuẩn bị để trang bị tốt hơn cho cuộc chiến lâu dài này”. 

Trong những tháng căng thẳng vừa qua, Trung Quốc liên tiếp cho tàu thuyền ra vào khu vực tranh chấp. Đáp lại, lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản cũng thường xuyên cảnh báo tàu thuyền Trung Quốc không được đi vào vùng lãnh hải của Nhật Bản. Đã có thời điểm, tàu thuyền Trung Quốc và Nhật Bản va chạm với nhau ở vùng tranh chấp. Những diễn biến này khiến cho cuộc tranh chấp quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa hai cường quốc châu Á ngày một trở nên nóng bỏng. Theo tờ The Globe and Mail, những động thái nguy hiểm trên biển Hoa Đông có thể đưa Nhật Bản và Trung Quốc vào một cuộc xung đột có vũ trang. Kịch bản thường là những chiếc tàu đánh cá Trung Quốc chỉ giống như những “quân tốt” được đẩy lên trước để thử phản ứng của phía Nhật Bản. Sau đó, “quân xe” và “quân mã” mới xuất hiện - tàu hải giám Trung Quốc, con tàu gần như hàng ngày tới tuần tra vùng biển quanh Senkaku, làm như thể Bắc Kinh có trách nhiệm phải canh gác vùng biển này. Từng con tàu Trung Quốc bị kèm bởi 1 con tàu của lực lượng canh gác bờ biển Nhật Bản và cả 2 bên thường ở cách nhau khoảng 100 mét nhưng vẫn chưa đâm vào nhau lần nào.  

Vào thời điểm này vẫn chưa xuất hiện những quân cờ với sức mạnh thực sự, đó là tàu chiến của 2 trong số những lực lượng hải quân hùng mạnh nhất trên thế giới. Đến nay cuộc tranh chấp về chủ quyền của quần đảo không người ở trên biển Hoa Đông đã bước vào tháng thứ 4 vẫn không bên nào tỏ dấu hiệu lùi bước. Liệu những hành động làm leo thang căng thẳng có thể khiến nền kinh tế thứ 2 và thứ 3 thế giới bước vào một cuộc xung đột có vũ trang?

Chỉ cần một sai lầm...

Truyền thông Nhà nước Trung Quốc cho biết một số tàu chiến đang được điều chuyển sang lực lượng Giám sát bờ biển, làm gia tăng nguy cơ tàu có vũ trang được điều tới vùng biển đang tranh chấp. Tuần trước, 5 tàu chiến Trung Quốc đã đi qua eo biển Miyako của Nhật Bản ở phía bắc quần đảo tranh chấp để thực hiện một cuộc diễn tập mà Trung Quốc không hề thông báo trước. 

Trong một diễn biến khác, báo chí Trung Quốc tuần qua cho hay tân Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc đi thăm quân khu Quảng Châu, yêu cầu quân đội nâng cao nhận thức về tác chiến thực tế cho binh sĩ, để đảm bảo trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Ông Tập Cận Bình đã có chuyến thị sát các đơn vị quân đội ở tỉnh miền nam Quảng Đông từ ngày 8 đến 10-12 để kiểm tra khả năng phối hợp tác chiến giữa các lực lượng không, lục, hải quân. Ông Tập Cận Bình cũng là Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương của Đảng, cơ quan quyết sách tối cao cho lực lượng vũ trang của Trung Quốc. 

Li Jie, Giáo sư của Viện nghiên cứu Quân sự Hải quân nói ông Tập Cận Bình yêu cầu quân đội gia tăng nhận thức chiến đấu thực tế trong bối cảnh đất nước phải đối mặt với nhiều thách thức phức tạp từ thế giới, tuy nhiên, chuyên gia này nói thêm rằng quân đội Trung Quốc đã không chiến đấu từ hơn hai thập kỷ qua. "Nếu so sánh cường độ đào tạo của quân đội Trung Quốc và quân đội Mỹ thì quân đội Trung Quốc tụt lại phía sau. Ngoài ra cũng có tình trạng thiếu ý thức kỷ luật trong hàng ngũ các binh sĩ của quân đội”.

Phía Nhật Bản, theo hãng tin Kyodo, tiểu ban về chính sách đại dương đã chuyển lên Thủ tướng Yoshihiko Noda một kiến nghị, theo đó Nhật Bản vừa phải thúc đẩy việc khai thác và kinh doanh nguồn tài nguyên biển, vừa phải nâng cấp Lực lượng phòng vệ trên biển (hải quân) cũng như lực lượng tuần duyên (cảnh sát biển).

Cuộc “thách đấu” diễn ra hàng ngày trên biển song song với cuộc đối đầu chính trị giữ Bắc Kinh và Tokyo. Cuộc tranh chấp về chủ quyền quần đảo cùng với tâm lý chống Nhật gia tăng ở Trung Quốc, đã được phe dân tộc cực đoan của Đảng Cộng sản Trung Quốc sử dụng để phục vụ lợi ích của mình trong thời kỳ chuyển giao quyền lực 10 năm một lần của nước này. 

Bản thân chính trường Nhật Bản cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng căng thẳng hiện nay trên biển Hoa Đông. Đảng Dân chủ tự do (LDP) đã chọn cựu Thủ tướng Shinzo Abe - người có tư tưởng chống Trung Quốc - làm người đại diện đảng này tham gia vào cuộc bầu cử hôm 16/12 tới và LDP được dự báo là sẽ giành chiến thắng. 

Trong khi đó, cựu Thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara, một người theo tinh thần dân tộc đã khơi mào cuộc khủng hoảng Senkaku hiện nay bằng đề xuất quyên tiền mua lại quần đảo - đã cảnh báo rằng Nhật Bản có nguy cơ sẽ trở thành “ngôi sao thứ 6 trên quốc kỳ Trung Quốc” nếu không đứng lên đối đầu với Bắc Kinh. Ông Ishihara đã từ chức thị trưởng để thành lập một đảng cực hữu mới và đã gây bất ngờ khi đứng thứ 2 trong các cuộc thăm dò dư luận, vượt lên trên cả đảng Dân chủ Nhật Bản của đương kim Thủ tướng Noda.

Điều đó có nghĩa là tình hình Senkaku -Điếu Ngư sẽ còn tiếp tục bất ổn. 

“Ở cả hai quốc gia, việc chuyển giao lãnh đạo có thể sẽ làm chính quyền hai nước không sẵn lòng hợp tác hay giảm nhẹ căng thẳng và điều đó sẽ khuyến khích các chính sách cứng rắn hơn”, Taylor Fravel, một chuyên gia về an ninh Đông Á tại Học viện công nghệ Masachusetts, bình luận. Ông Fravel cho rằng chỉ cần mắc một sai lầm tại vùng biển quanh Senkaku là một hoặc cả hai bên sẽ điều tàu chiến ra các quần đảo.