Nhật lo không địch nổi nếu hải quân Trung Quốc có Mistral

ANTĐ - Theo tạp chí The Diplomat của Nhật, Washington cần "kéo" các tàu sân bay trực thăng "Mistral" của Pháp ra khỏi tay Trung Quốc, nếu không cán cân quyền lực quân sự ở châu Á có thể sẽ thay đổi.

Nhật lo Pháp bán tàu Mistral cho Trung Quốc

Tạp chí The Diplomat của Nhật bày tỏ sự lo ngại nếu Trung Quốc sở hữu tàu và mỏ xẻ, nắm được kỹ thuật đóng tàu sân bay trực thăng mặt boong phẳng của châu Âu - điều mà cả Nga và Trung Quốc đều còn đang thiếu và hiện đang nỗ lực làm chủ công nghệ.

Trước đây, Hoa Kỳ đã từng quan ngại sâu sắc khi biết tin Nga mua hai tàu sân bay trực thăng "Mistral" của Pháp. Bây giờ tình hình đó sẽ lặp lại, nhưng nỗi quan ngại của Washington hiện nay lại liên quan đến Bắc Kinh - tạp chí The Diplomat viết.

Hồi tuần trước, các phương tiện truyền thông Pháp đưa tin rằng nước Pháp có thể bán cho Trung Quốc hai tàu sân bay trực thăng "Mistral", được chế tạo riêng theo đơn đặt hàng của Nga và có thể được Pháp chào hàng trong chuyến thăm của hải quân nước này đến Trung Quốc.

Từ ngày 9 đến 15-5, một phái đoàn của hải quân Pháp, gồm hai chiến hạm là tàu đổ bộ trực thăng Dixmude thuộc lớp Mistral và tàu khu trục lớp La Fayette có tên Aconit đã ghé thăm thành phố Thượng Hải. Trên thực tế, đây là lần đầu tiên một tàu chiến lớp Mistral ghé thăm Trung Quốc.

Dixmude là chiếc tàu lớp Mistral thứ ba và cũng là cuối cùng được đóng cho hải quân Pháp, cùng lớp những tàu Mistral mà các nhà máy đóng tàu nước này chế tạo cho hải quân Nga, nhưng không bàn giao cho Nga do những nguyên nhân xoay xung quanh cuộc khủng hoảnh chính trị ở Ukraine.

Tàu sân bay trực thăng lớp Izumo của Nhật có tính năng tương tự Mistral của Pháp

Các nhà phân tích cho rằng Washington nên "kéo" các tàu "Mistral" ra khỏi tầm tay Trung Quốc, bởi Bắc Kinh hiện đang xây dựng một hạm đội năng động và hiện đại. Đặc biệt là nước này đang thiếu những tàu đổ bộ trực thăng tầm xa như Mistral.

Tạp chí Diplomat thừa nhận rằng, Pháp rất khó để bán được tàu sân bay trực thăng cho Trung Quốc, vì lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu về xuất khẩu vũ khí cho nước này. Tuy nhiên, tờ tạp chí vẫn lo ngại khả năng Trung Quốc sẽ có thể mua được "Mistral".

Mistral nguy hiểm thế nào khi lọt vào tay Trung Quốc?

The Diplomat sợ rằng, nếu Trung Quốc mua được các tàu đó, có khả năng cán cân quyền lực ở châu Á trong tương lai sẽ thay đổi. Hiện hải quân nước này đang nỗ lực sở hữu 3 tàu sân bay, việc họ có thêm tàu đổ bộ tấn công tầm xa hiện đại như Mistral sẽ như “nối giáo cho giặc”.

Tạp chí nhấn mạnh rằng, do các tàu sân bay trực thăng lớp Mistral được đóng theo yêu cầu riêng của Moscow nên chúng hoàn toàn có thể được thích ứng với máy bay trực thăng Ka-27, Ka-52…, được trang bị cho Hải quân Nga, mà Trung Quốc cũng có cả Ka-27 và Ka-28 nên rất dễ sử dụng.

Mọt điểm cũng rất quan trọng là các tàu sân bay Mistral hoàn toàn có đủ điều kiện triển khai các máy bay tiêm kích có khả năng cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng như F-35B của hải quân đánh bộ Mỹ. Đây là điều Trung Quốc đang thiếu và rất muốn có.

Lực lượng tự vệ trên biển của Nhật sẽ lép vế trước Hải quân Trung Quốc có tàu sân bay trực thăng Mistral

Bắc Kinh khao khát điều này khi họ mới chỉ có các tiêm kích hạm thông thường trên tàu sân bay là J-15. Đồng thời, trong thời gian qua đã xuất hiện thông tin cho rằng, nước này đang phát triển dòng tiêm kích hạm V/STOL dựa trên nguyên mẫu của máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 của Tập đoàn hàng không Thẩm Dương là J-31.

Lực lượng tự vệ trên biển của Nhật hiện thua hải quân Trung Quốc về tàu sân bay nhưng lại được đánh giá cao hơn vì đang sở hữu các tàu đổ bộ tấn công lớp Izumo có khả năng mang theo các tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-35B của Mỹ. Nhưng, nếu Paris bán cho Bắc Kinh 2 tàu Mistral có tính năng tương tự, hải quân Nhật sẽ trở nên lép vế trước Trung Quốc.

Hơn nữa, Bắc Kinh có công nghệ sao chép siêu đẳng nên mối lo về việc Mistral bị Trung Quốc nhái lại là điều hoàn toàn dễ xảy ra, trong bối cảnh các nhà máy đóng tàu nước này chưa đủ trình độ đóng tàu đổ bộ và tàu sân bay mặt boong phẳng như Mỹ và EU.

Tuy nhiên, việc Mistral lọt vào tay Trung Quốc chắc chắn là một mối quan ngại của Mỹ, giống như việc xảy ra vào năm 2011, khi Pháp ký hợp đồng đóng tàu cho Nga. Bởi vậy, Diplomat cho rằng, Washington sẽ làm tất cả để ngăn cản Bắc Kinh mua được 2 con tàu mà Paris đã cương quyết không chịu bàn giao cho Moscow.