Những chuyện bên lề ở Trung tâm CS113 (1)

Nhật ký đường dây “nóng”

ANTĐ - Trung tâm CS113 không lúc nào yên tĩnh bởi tiếng chuông điện thoại liên tục réo. Ngoài những tin báo của người dân về tình hình ANTT, CBCS ứng trực còn phải đối mặt với vô số tin báo giả, những tình huống dở khóc dở cười và thậm chí bị đe dọa.

Không ít các cuộc gọi quấy rối, báo tin giả đến Trung tâm CS113


Những cuộc gọi thiếu ý thức

Đêm cuối tuần đầu tháng 11, trong khi thành phố đang chìm vào giấc ngủ, tại Trung tâm CS113-CATP Hà Nội, tổ công tác của đơn vị vẫn đang ứng trực tiếp nhận tin báo. Chuông điện thoại reo, Trung úy Nguyễn Minh Hùng nhấc máy: “A lô CS113 xin nghe”. Ở đầu dây bên kia, giọng một cô gái hoảng hốt “báo tin”: “Trên cửa số tầng 2 phòng ngủ của em xuất hiện một con… ma đang ngồi vắt vẻo. CS113 mau đến giải cứu”. Trung úy Hùng chưa kịp hỏi chuyện gì thì vẫn cô gái này bỗng nhiên quay sang cười sằng sặc. “Lại thêm một cuộc điện thoại gọi đến để trêu CS113” - Trung úy Hùng thở dài.

Chưa đầy 2 phút sau, điện thoại lại tiếp tục đổ chuông. Lần này là một người thanh niên gọi tới bằng máy di động. Anh này thông báo ở cầu Thanh Trì có một vụ TNGT nghiêm trọng khiến… 3 người bị thương rất nặng. Sau vài câu hỏi, Thượng úy Nguyễn Xuân Hà gác máy. Thượng úy Hà cho biết, đó chỉ là tin báo giả. Trong lúc hỏi chuyện, Thượng úy Hà phát hiện ở bên cạnh người đàn ông đang nói có những tiếng dô “trăm phần trăm” và giọng lè nhè cùng tiếng cười hô hố của vài ma men. “Trong khi báo tin tai nạn ở cầu Thanh Trì mà họ rủ bạn bè đến uống rượu nói địa chỉ đang ngồi ở quán rượu mãi tận Từ Liêm” - Thượng úy Hà cho biết.

Qua sàng lọc và phân tích, số tin báo giả gọi đến Trung tâm CS113 hầu hết đều rơi vào đám thanh thiếu niên, học sinh. Trung bình một ngày, có khoảng từ 200 đến 400 tin báo giả, trêu đùa gọi đến Trung tâm CS113. Đáng nói, một thông tin khá buồn được các CBCS ở Trung tâm CS113 đưa ra đó là, “sợ” nhất vẫn là việc nghe điện thoại vào khoảng thời gian nghỉ giải lao giữa giờ của bậc THPT.  Nhiều học sinh trong giờ ra chơi gọi điện thoại đến trêu CS113. Không chỉ ở nội đô, tại các huyện ngoại thành cũng có nhiều “trai làng” cứ tối tối tụ tập nhau ra đầu làng ngồi chơi. Rảnh việc và với ý thức kém, số đối tượng này mỗi người cầm 1 hoặc thậm chí 2 điện thoại di động hò nhau gọi trêu đùa CS113. Trong tổng số hàng chục cuốn sổ ghi lại nội dung các tin báo, Trung tâm còn liệt kê hàng trăm số điện thoại dạng quấy rối. Có số điện thoại đã gọi tới trêu đùa tới hơn 20 lần chỉ trong 1 ngày. Tất cả những số điện thoại trên đều được lưu giữ, xử lý.

CS113 xuống hiện trường giải quyết một tin báo về gây rối trật tự công cộng

CS113 “kiêm” tổng đài tư vấn

Chẳng những phải đối mặt với hàng trăm cuộc điện thoại “trắng” của số người vô ý thức gọi đến gây ảnh hưởng tới công tác ứng trực, CS113 dường như còn “kiêm” luôn tổng đài 1080 bất đắc dĩ. Mặc dù chức năng nhiệm vụ của Trung tâm CS113 chỉ tập trung vào việc tiếp nhận, điều chuyển, giải quyết các tin báo liên quan đến tình hình ANTT, nhưng rất nhiều người dân gọi đến kể những câu chuyện trên trời dưới biển không hề liên quan gì đến chức năng xử lý của đơn vị. Từ chuyện vợ chồng “cơm không lành, canh không ngọt” cũng được các ông chồng, bà vợ này gọi đến để than phiền và nhờ CS113 can thiệp, giúp đỡ. Mới đây, có trường hợp hai vợ chồng ở tận huyện Thanh Trì cãi nhau. Người chồng tức giận dọa đánh vợ. Sợ bị chồng đánh, người vợ này liền gọi CS113 với giọng khẩn cấp trong điện thoại là đang bị chồng đánh đập dã man. Khi CS113 đến nơi, sự việc chỉ dừng lại ở mâu thuẫn cãi cọ giữa 2 vợ chồng chứ người chồng chưa hề “động thủ”. Cá biệt, có một ông chồng ở Đống Đa mắng vợ, bị vợ bỏ đi về nhà bố mẹ đẻ cũng gọi CS113 đến giải quyết.

Thường về chiều tối, để trị tính lười ăn của con, rất nhiều cuộc điện thoại của các bà mẹ gọi đến Trung tâm CS113 “nhờ” CS113 dọa cho con họ chịu khó… ăn cơm. Có trường hợp chồng đi uống rượu đêm về muộn bị vợ giận khóa cửa nhà không cho vào cũng gọi điện bịa ra một lý do nào đó để “cầu cứu” CS113. Nhiều người khi sửa chữa điện thoại gọi để thử máy cũng bấm số “113”. Chỉ khi CS113 phân tích, thậm chí là phê bình nghiêm khắc, những người này mới thôi quấy rối.

Nhiều CBCS CS113 khi ứng trực còn nhận được những cú điện thoại nhờ tư vấn tình yêu hôn nhân của các bạn trẻ. Trung tá Phạm Cao Bỉnh-Đội phó Đội CS113 kể lại, có cô gái sau quãng thời gian mặn nồng với bạn trai rồi chia tay và chuẩn bị lấy người khác liền bị người bạn cũ dọa tung video clip “nóng” lên mạng. Quá sợ hãi, cô gái này chỉ biết gọi điện đến cầu cứu nhờ CS113 bắt giữ bạn trai cũ. Mặc dù đã nói cô gái này nên báo chính quyền hoặc nói chuyện thẳng thắn với người bạn cũ để tìm cách giải quyết nhưng cô gái trên nhất quyết chỉ tín nhiệm CS113. Đến lúc này, CS113 đành phải gọi đến số máy của người thanh niên dọa tung video clip yêu đương lên mạng. Sau khi phân tích cho chàng trai kia về việc làm sẽ dẫn tới vi phạm pháp luật, người thanh niên này mới chịu buông tha cho bạn gái cũ đi lấy chồng.