Nhật hòa hoãn với Nga để rảnh tay đối phó Trung Quốc?

ANTĐ - Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố, Nhật Bản hy vọng sẽ tăng cường đối thoại với Nga về các vấn đề liên quan đến hiệp ước hòa bình, đây là một “cử chỉ thiện chí” của Nhật Bản được coi là một động thái gác lại tranh chấp khác để dồn lực đối phó với Trung Quốc.

Vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản bày tỏ ý định sẽ thực hiện nhiều hơn các cuộc gặp cấp cao song phương Nhật-Nga trong năm nay. “Tôi hi vọng tiến hành đối thoại với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong bầu không khí tin cậy lẫn nhau. Nếu trong quan hệ hai nước tồn tại vấn đề, thì việc không tổ chức trao đổi giữa các nhà lãnh đạo quốc gia sẽ là một sai lầm” - ông Abe cho biết.

Năm ngoái, Thủ tướng Nhật và Tổng thống Nga đã có bốn lần tiếp xúc, trong đó có chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông Shinzo Abe đến Nga trong vòng mười năm qua. Theo kế hoạch, ông sẽ đến thăm Nga một lần nữa vào tháng Hai năm nay và dự lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông ở Sochi. Đồng thời, các quan chức cấp dưới của 2 nước cũng tiến hành nhiều cuộc hội đàm để hiện thực hóa các chỉ thị của nguyên thủ quốc gia mình.

Trước đây, trong bài bình luận trên trang tin điện tử của Đài phát thanh “Tiếng nói nước Nga, Ông Valery Kistanov - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản thuộc Viện nghiên cứu Viễn Đông - Viện hàn lâm khoa học Nga cho biết, những tín hiệu tích cực có thể nhận thấy rất rõ trong vấn đề xử lý tranh chấp lãnh thổ Nga-Nhật ở khu vực quần đảo Kuril khi 2 bên đều cho thấy những dấu hiệu thiện chí, thể hiện ngay trong tác phong làm việc của nguyên thủ cả 2 quốc gia.

Theo ông Kistanov, bất kể là ở các thủ đô như Moscow hay Tokyo hoặc ở các địa điểm nào khác, trong khuôn khổ các cuộc gặp gỡ song phương hay đa phương, chính thức hay không chính thức, Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Nhật Abe đều có thể bàn bạc, trao đổi về Điều ước hòa bình và vấn đề tranh chấp biển đảo, chứ không đóng khung trong những hội nghị, hội đàm chính quy và đầy thủ tục.

Nhật hòa hoãn với Nga để rảnh tay đối phó Trung Quốc? ảnh 1

Trong thời gian tới Nga và Nhật sẽ tổ chức nhiều cuộc diễn tập quân sự liên hợp

Ông nhấn mạnh, đối thoại ngoại giao-quốc phòng “2+2” giữa Ngoại trưởng và Bộ trưởng quốc phòng 2 nước Nga-Nhật được tổ chức ở Tokyo ngày 2-11-2013 vừa qua đã có những tiến triển hết sức tốt đẹp, ít nhất là về phương diện thiện chí giữa 2 bên. Việc giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình thông qua tiếp xúc, lắng nghe, tôn trọng lẫn nhau giữa lãnh đạo 2 nước là biện pháp tốt nhất để đạt được nhận thức chung.

Về lý thuyết, Nhật Bản và Nga vẫn trong tình trạng chiến tranh vì hai nước chưa ký kết hiệp ước hòa bình chấm dứt Thế chiến thứ 2, hơn nữa, 2 bên cũng có những bất đồng về tuyên bố chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Kuril. Tuy nhiên, thời gian gần đây hai nước đang xích lại gần nhau, nhằm tăng cường quan hệ bất chấp những tranh chấp này và vấn đề Nga quan ngại về vai trò của Nhật Bản trong chương trình phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Trong cuộc hội đàm, 2 bên đã nhất trí tăng cường hợp tác an ninh tại châu Á-Thái Bình Dương, trong bối cảnh cả hai nước đều đang thận trọng theo dõi ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Những bất đồng giữa 2 bên phát sinh từ việc Nga quan ngại kế hoạch của Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại Nhật Bản có thể hủy hoại sự cân bằng sức mạnh chiến lược tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ tiếp tục được giải quyết trong thời gian tới.

Phát biểu sau cuộc họp, Ngoại trưởng Nhật Bản Kishida cho biết, hai nước nhất trí đẩy mạnh hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực an ninh, kinh tế và giao lưu con người. Trong khi đó, Bộ trưởng quốc phòng Onodera cũng tuyên bố hai bên đã đồng ý sẽ tổ chức các cuộc diễn tập quân sự chống khủng bố và chống cướp biển chung đồng thời sẽ cử các quan sát viên tới quan sát các cuộc diễn tập quân sự của nhau trên cơ sở định kỳ.

Nhật hòa hoãn với Nga để rảnh tay đối phó Trung Quốc? ảnh 2

Các ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng Nga-Nhật trong cuộc hội đàm 2+2

Hai nước cũng sẽ hợp tác về an ninh và giảm nhẹ thiên tai trong khuôn khổ đa phương như Hội nghị cấp cao Đông Á, Diễn đàn Khu vực ASEAN, cùng nhau chia sẻ thông tin trong các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Ngoại trưởng Nhật Bản còn cho biết, Nga và Nhật cũng nhất trí sẽ bắt đầu tổ chức các cuộc thảo luận về vấn đề an ninh mạng trong thời gian tới.

Ngoài ra, theo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, cả 4 bộ trưởng đã đồng ý sẽ định kỳ tổ chức các cuộc đối thoại trong khuôn khổ 2+2, và hai bộ trưởng Nga đã mời người đồng cấp Nhật Bản đến Moscow tham dự cuộc đối thoại tiếp theo vào năm tới. Những hành động của Nhật trái ngược hẳn với những tuyên bố và hành động cứng rắn của nước này trong tranh chấp chủ quyền Senkaku đối với Trung Quốc.

Có thể nói, những động thái thiện chí với Moscow gần đây của Tokyo đã cho thấy quyết tâm tìm kiếm giải pháp hòa bình trong tranh chấp chủ quyền với Nga của nước này. Nó cũng nói lên một thực trạng là Nhật coi Trung Quốc là đối thủ chính trong chiến lược an ninh quốc gia của mình, từ đó dốc toàn lực để tập trung đối phó với mối đe dọa chủ quyền biển đảo đang ngày càng gia căng từ phía Bắc Kinh.