Nhật hết lo đánh “giặc ngoài mạnh” lại đau đầu đối phó “đồng minh lớn”

ANTĐ - Sự thiếu vắng những cơ chế an ninh có thể sớm đẩy Đông Á vào một cuộc chiến quy mô lớn. Tình hình căng thẳng vì tranh chấp lãnh thổ ở khu vực này đã thúc đẩy những ý tưởng về hệ thống an ninh tập thể hiệu quả trong khu vực. 

Vài ngày gần đây, các tàu Trung Quốc lại có mặt trong vùng lãnh hải Senkaku/Điếu Ngư mà cả Nhật Bản và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền. Washington bày tỏ sự quan ngại với Bắc Kinh về sự gia tăng hoạt động nguy hiểm trên biển trong vùng lãnh thổ tranh chấp. Trong khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe một lần nữa nhắc nhở các nhà lập pháp rằng: "Nhật chưa chuẩn bị đầy đủ để đối phó với khả năng phát sinh các mối đe dọa đến nền an ninh quốc gia".

Ông Abe đã nhiều lần tuyên bố, một trong những yếu tố cải thiện an ninh quan trọng nhất là biến Nhật Bản thành một "quốc gia bình thường", sở hữu và có toàn quyền sử dụng một lực lượng vũ trang tổng hợp, kể cả trong liên minh với các nước khác. Quan điểm như vậy khó được chấp nhận ở bên ngoài Nhật Bản và gần đây đã bị Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc chỉ trích dữ dội.

Ý định của ông Abe là nâng cao vị thế và tiềm lực quân đội Nhật Bản, từ bỏ nguyên tắc chỉ xây dựng lực lượng tự vệ “mang tính chất phòng vệ”, cũng làm cho đồng minh quân sự và chính trị chính của họ lo lắng. Người Mỹ không chỉ quan ngại những phản ứng gay gắt ở các nước châu Á vẫn chưa quên ách xâm lược của đế quốc Nhật, mà còn bất an về sự xuất hiện một cường quốc vũ trang trong tương lai, một lần nữa trở thành đối thủ quân sự và chính trị của Hoa Kỳ.

Bên cạnh đó, việc xóa bỏ những rào cản pháp lý, cho phép phát triển và mua bán vũ khí sẽ đe dọa ưu thế độc quyền trên thị trường quân dụng lâu nay của Mỹ ở Nhật Bản. Vì thế, Washington đã nỗ lực gợi ý cho Tokyo một công thức khác về tăng cường an ninh là củng cố hợp tác quốc phòng song phương với Mỹ và xây dựng quan hệ đa phương trong liên minh cùng Hàn Quốc, Australia và các đồng minh khác của Hoa Kỳ.

Chuyên gia của Viện Nghiên cứu Quốc tế MGIMO Andrey Ivanov nêu nhận xét: “Vấn đề ở chỗ Trung Quốc rất khó chịu với phương án trên, cũng như với xu thế biến Nhật Bản thành một ‘quốc gia bình thường’, sở hữu lực lượng vũ trang toàn diện có khả năng (thực chất và pháp lý) hành động bên ngoài biên giới. Và Bắc Kinh sẽ không hạn chế chỉ thể hiện sự bất bình bằng tranh biếm họa và những tuyên bố suông”.

Hiện nay, Bắc Kinh đang tích cực mở rộng tiềm lực quân sự, xây dựng hạm đội viễn dương với vài biên đội tàu sân bay trong tương lai. Đồng thời, họ cũng nâng cấp các phương tiện không quân, trong đó có bay ném bom tầm xa H-6. Trung Quốc còn lên kế hoạch cải thiện tiềm năng hạt nhân của quốc gia, kể cả trên lục địa và trên biển mà tên lửa đạn đạo DF-31/41 và tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Tấn là những minh chứng rõ nét nhất.

Thực ra, đây không phải là lý do duy nhất để Nhật Bản ngày càng mất niềm tin vào chiếc ô hạt nhân của Mỹ. Cũng như Mỹ và Nga, Trung Quốc đang tích cực chế tạo những loại hình vũ khí mới, có thể làm cho vũ khí hạt nhân gần như trở nên vô dụng. Cuộc chạy đua vũ trang đang không ngừng phát triển, một phần do sự nảy sinh những liên minh quốc phòng mới do Hoa Kỳ bảo trợ. Chỉ có thể thay thế cho kịch bản này bằng giải pháp tạo lập các hệ thống an ninh tập thể ở Đông Á, tương tự như của châu Âu.

Ông Andrei Ivanov cho biết: “Năm 2009, Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama đã nỗ lực hành động theo hướng này với việc tạo dựng một Liên minh kiểu EU ở châu Á. Cần nhớ rằng, sáng kiến “Cộng đồng Đông Á” của ông có được ý kiến phản hồi tích cực từ Trung Quốc, như một cơ hội quý bàu để hạn chế sự cạnh tranh và tránh đối đầu. Tuy nhiên, Mỹ đã không ủng hộ sáng kiến này, vì như thế Washington sẽ phải từ bỏ tham vọng thủ lĩnh”.

Tất cả các kế hoạch của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương, từ quan hệ đồng minh song phương với Nhật, Hàn Quốc, Philippines… hay trục đồng minh chiến lược giữa Mỹ với các nước này và thêm cả Australia và Ấn Độ hoặc bao cả quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương..., đều chỉ nhằm một mục đích duy nhất là duy trì và tăng cường vai trò thủ lĩnh của Hoa Kỳ tại khu vực này. Không chỉ Nhật mà ngay cả Philippines cũng từng đưa ra quan điểm như vậy

Sự vùng lên của Nhật Bản (nếu thành công) vô hình trung sẽ khuyến khích Hàn Quốc nhìn vào tấm gương của họ. Nhật - Hàn trở lên hùng mạnh, lúc đó, Mỹ sẽ khó mà thao túng được các đồng minh trong việc giải quyết các sự vụ trên bán đảo Triều Tiên hoặc trong quan hệ giữa Trung Quốc với Nhật Bản và Hàn Quốc. Điều đó đồng nghĩa với Washington mất đi con bài mặc cả quan trong với Bắc Kinh và Bình Nhưỡng.

Chính vì thế, Mỹ cần những “đồng minh yếu” để duy trì cái ô bảo hộ và sự hiện diện. Trong con mắt của Mỹ, Nhật không nên và “không được phép” phá rào, sửa đổi Hiến pháp Hòa bình cũng như nới lỏng 3 nguyên tắc xuất khẩu vũ khí. Không hẹn mà gặp, Washington và Bắc Kinh tuy khác về ý đồ nhưng chung một mục đích là làm sao không để cho Nhật mạnh lên. Có thể nói, Tokyo đang gặp khó, khó từ đối thủ cho tới chính đồng minh thân thiết của mình.