Nhật - Hàn tiến gần "miệng hố" chiến tranh thương mại

ANTD.VN - Nhật Bản và Hàn Quốc đang tiến gần hơn tới “miệng hố” của một cuộc chiến tranh thương mại khi căng thẳng thương mại xuất phát từ nguyên nhân ngoại giao ngày càng gia tăng.

Nhật - Hàn tiến gần "miệng hố" chiến tranh thương mại ảnh 1Những biểu ngữ kêu gọi không mua - bán các sản phẩm do Nhật Bản sản xuất xuất hiện trong các siêu thị ở Thủ đô Seoul của Hàn Quốc từ ngày 9-7

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 10-7 cho rằng việc Nhật Bản cấm xuất khẩu các hóa chất có vai trò thiết yếu đối với ngành công nghệ của Hàn Quốc đã gây ra “tình trạng khẩn cấp chưa từng có”. Trong phát biểu được đưa ra trong một hội nghị với 30 lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu của Hàn Quốc tại Phủ Tổng thống này, ông Moon Jae-in cũng cảnh báo một cuộc tranh cãi thương mại với Nhật Bản có thể kéo dài nếu hai nước không sớm tìm được tiếng nói chung.

Tổng thống Moon Jae-in cam kết, giải quyết căng thẳng thương mại hiện nay với Nhật Bản bằng biện pháp ngoại giao. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Xanh cũng cho rằng, Hàn Quốc cần phải có một hệ thống phản ứng chung trong cả lĩnh vực công và tư giữa lúc quốc gia này đang “trong tình trạng khẩn cấp chưa từng có” do Nhật Bản siết các nguyên liệu đầu vào trọng yếu xuất sang Hàn Quốc. 

Căng thẳng thương mại giữa Hàn Quốc và Nhật Bản vừa “tăng nhiệt” ngày 4-7 vừa qua khi Tokyo bắt đầu siết chặt việc xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 loại vật liệu công nghệ cao sử dụng trong sản xuất các chất bán dẫn và màn hình, gồm fluorinated polyimide (nhựa nhiệt dẻo), hydrogen fluoride và resist (chất cản màu). Trong khi đó, nhựa nhiệt dẻo thường được sử dụng chế tạo màn hình điện thoại thông minh, còn chất cản màu được sử dụng để chế tạo thiết bị bán dẫn và chất cản màu được sử dụng để in các mẫu mạch.

Theo đó, các công ty Nhật Bản sẽ phải xin cấp phép cho từng hợp đồng xuất khẩu những vật liệu này sang Hàn Quốc. Các biện pháp được Seoul nhìn nhận như rào cản kỹ thuật “bế quan tỏa cảng” này có thể ảnh hưởng đến các tập đoàn công nghệ khổng lồ của Hàn Quốc như Samsung  Electronics, SK Hynix và LG Electronics.

Điều đáng nói là hạn chế thương mại của Nhật Bản với Hàn Quốc không phải do yếu tố kinh tế mà xuất phát từ việc Tokyo muốn gây khó cho các “ông lớn” công nghệ của Hàn Quốc nhằm phản đối quan điểm của Seoul trong giải quyết vấn đề đền bù cho các nạn nhân Hàn Quốc phải lao động cưỡng bức trong thời chiến. Tòa án Tối cao Hàn Quốc vào tháng 10-2018 đã phán quyết một công ty Nhật Bản phải bồi thường cho 4 người Hàn Quốc bị ép buộc làm việc cho họ trong thời gian Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên hồi Chiến tranh thế giới lần thứ hai. 

Trong khi đó, Tokyo luôn khẳng định mọi vấn đề về bồi thường thiệt hại trong thời chiến đã được hai bên dàn xếp trong Hiệp định bình thường hóa quan hệ song phương ký kết năm 1965. Hiệp định này, do Chính phủ nước Mỹ đã đóng vai trò trung gian, có điều khoản Tokyo trả cho Seoul khoản tiền 300 triệu USD, tương đương 2,4 tỷ USD hiện nay.

Lập trường của Nhật Bản cho đến nay vẫn là vấn đề lao động cưỡng bức thời chiến đã được giải quyết xong khi hai nước ký hiệp ước khôi phục quan hệ ngoại giao năm 1965. Tuy nhiên, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in lại lập luận rằng hiệp ước này không ngăn người dân kiện các công ty Nhật Bản và phán quyết của tòa án nên được tôn trọng.

Việc không tìm được tiếng nói chung trong một vấn đề lịch sử trước đây, căng thẳng Nhật - Hàn đã bắt đầu chuyển từ mặt trận ngoại giao sang kinh tế. Đáp lại những đòn “bế quan tỏa cảng” của Nhật Bản, từ ngày 9-7 tại các siêu thị ở Seoul đã xuất hiện các biểu ngữ kêu gọi “không mua, không bán” các sản phẩm do Nhật Bản sản xuất.