Nhặt được tiền rơi, không trả lại có bị xử lý?

ANTD.VN - Cách đây ít ngày, khi tham gia giao thông trên đường, em trai tôi nhặt được một chiếc túi bên trong có 10 triệu đồng cùng một số giấy tờ tùy thân khác. Em tôi dự định sẽ đến cơ quan công an gửi lại giấy tờ, còn tiền thì giữ lại sử dụng. Xin hỏi việc làm này của em tôi có vi phạm pháp luật không? Trần Anh Đức (Thái Bình)

Nhặt được tiền rơi, không trả lại có bị xử lý? ảnh 1Luật sư Lê Hồng Vân (Đoàn Luật sư Hà Nội)

Trả lời: Bộ luật Dân sự quy định người phát hiện tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn giấu, bị chìm đắm phải thông báo hoặc trả lại ngay cho chủ sở hữu; nếu không biết ai là chủ sở hữu thì phải thông báo hoặc giao nộp cho UBND xã, phường, thị trấn hoặc công an cơ sở gần nhất hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật.

Pháp luật không bắt buộc người nhặt được của rơi phải thông báo hoặc giao nộp ngay lập tức cho cơ quan chức năng. Tuy nhiên việc thông báo hoặc giao nộp cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Trường hợp cố tình không trả lại cho chủ sở hữu hoặc cố tình không giao nộp khi đã có yêu cầu của cơ quan chức năng thì tùy theo số tiền chiếm giữ mà người vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự. 

Nhặt được tiền rơi, không trả lại có bị xử lý? ảnh 2Việc thông báo hoặc giao nộp của rơi cần được thực hiện càng sớm, càng tốt

Điều 142 Bộ luật Hình sự về Tội chiếm giữ trái phép tài sản nêu rõ, người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản có giá trị từ 5 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Chiếm giữ tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên hoặc cổ vật, vật có giá trị lịch sử, văn hoá có giá trị đặc biệt, thì bị phạt tù từ 1-5 năm.

Trường hợp số tiền chiếm giữ dưới mức khởi điểm nói trên thì theo quy định tại Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của người khác có thể bị xử phạt từ 2-5 triệu đồng. Như vậy, nếu em bạn chưa nhận được yêu cầu trả lại tài sản của chủ sở hữu hoặc thông báo giao nộp tài sản của cơ quan chức năng thì hành vi chiếm giữ tài sản của em bạn không bị xử lý. Tuy nhiên, em bạn nên giao nộp càng sớm càng tốt để cơ quan chức năng ra thông báo tìm kiếm chủ sở hữu tài sản bị thất lạc.