Nhật buồn lòng vì Mỹ không muốn đối đầu trực tiếp với Trung Quốc

ANTĐ - Đầu tháng này, Mỹ và Nhật Bản đã tổ chức hội nghị Hiệp định an ninh Nhật-Mỹ (còn gọi là hội nghị 2+2) dưới sự chủ trì của các bộ trưởng bộ ngoại giao và bộ trưởng bộ quốc phòng. Hội nghị đã ra một tuyên bố chung, thể hiện rõ Nhật Bản và Mỹ sẽ mở rộng phạm vi hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng và phòng chống khủng bố.

Đồng thời, tuyên bố chung của Hội nghị cũng đề cập đến phương châm liên hợp đối phó với các “điểm nóng” ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ, đằng sau những tuyên bố chung thể hiện sự đồng thuận và nhất trí cao đó, còn có rất nhiều vấn đề nổi cộm.

Đầu tháng 9 vừa qua, trước khi hội nghị “2+2” chính thức khai mạc, một số quan chức trong chính phủ Nhật Bản đã ngao ngán thốt lên: “làm sao lại không thể động đến Trung Quốc?”. Điều này xuất phát từ vấn đề, để soạn thảo tuyên bố chung, các quan chức có liên quan của cả 2 bên đều phải soạn thảo trước các văn kiện riêng của mình để đưa ra thương nghị trong quá trình thảo luận.

Trong khi các văn bản của Nhật đầy rẫy các ngôn từ: “Trung Quốc đang khiêu khích ở Senkaku”, “Trung Quốc đang mở rộng chi tiêu quốc phòng”…, tóm lại là trong các văn kiện của Nhật thể hiện sự lo lắng về vấn đề Triều Tiên và Trung Quốc thì ngược lại, trong các văn bản của phía Mỹ đưa ra tuyệt không nhắc đến bất cứ quốc gia nào trong số này.

Phía Mỹ giải thích vấn đề này như sau: “Trọng điểm của tuyên bố chung là triển vọng hợp tác đồng minh Nhật-Mỹ, không cần thiết phải đặt trọng tâm chú ý vào một quốc gia nào”. Tuy nhiên, trước mối đe dọa ngày càng lớn từ phía Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp chủ quyền Senkaku, Nhật Bản đã kiên quyết không từ bỏ lập trường của mình.

Nhật buồn lòng vì Mỹ không muốn đối đầu trực tiếp với Trung Quốc ảnh 1

Biên đội tàu chiến Mỹ - Nhật hành trình trên biển trong khuôn khổ cuộc
diễn tập “Tia chớp bình minh 2013” (Dawn Blitz 2013)

Cuối cùng, sau nhiều phiên thảo luận và tranh cãi, 2 bên đã đưa ra một phương án thỏa hiệp là trong tuyên bố chung có đề cập đến vấn đề Trung Quốc nhưng không nêu các vấn đề liên quan đến Senkaku, còn trong cuộc họp báo chung, 2 bên phải đề cập đến vấn đề Senkaku để thuận tiện cho việc kiềm chế Trung Quốc sau này.

Nhưng thực tế không diễn ra suôn sẻ như vậy, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel khi đề cập đến vấn đề Senkaku đã căn cứ theo đúng kịch bản đã chuẩn bị trước để tuyên bố, không cho phép bất cứ hành động khiêu khích nào tại Senkaku và xác nhận điều này phù hợp với các nguyên tắc được quy định trong “Hiệp định an ninh Nhật-Mỹ”. Tuy nhiên, sự việc lại bất ngờ đảo ngược 360 độ theo cách không ai ngờ tới.

Sau đó, ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã trả lời phỏng vấn không tuân thủ theo kịch bản trên mà phát biểu “ngẫu hứng”. Ông Kerry nói: “Để giải quyết những vấn đề quan trọng cần phải xây dựng mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc, các bên đương sự cần tránh những hành động khiêu khích, cần phải thông qua các biện pháp ngoại giao và đối thoại để giải quyết vấn đề”. Từ những lời nói của ông Kerry, không khó để nhận thấy là Mỹ đang  muốn tránh đối đầu trực tiếp với Trung Quốc.

Nhật buồn lòng vì Mỹ không muốn đối đầu trực tiếp với Trung Quốc ảnh 2

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel bắt tay bộ trưởng
quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera và bộ trưởng ngoại giao Fumio Kishida
tại cuộc họp 2+2 ở Tokyo ngày 3/10


Dường như Tokyo mong muốn lợi dụng mối quan hệ đồng minh với Washington để ngăn chặn Bắc Kinh nhưng Hoa Kỳ chỉ muốn tăng cường kiềm chế mà lại tránh “chọc giận” Trung Quốc, đây chính là khác biệt lớn trong quan điểm của 2 nước về vấn đề giải quyết mâu thuẫn với Trung Quốc. Tuy nhiên đây cũng không phải là một chủ đề mới, vấn đề là “giới hạn đỏ” của nó nằm ở đâu, đến bao giờ Mỹ mới có những hành động quyết liệt hơn đối với Trung Quốc?

Thái độ lừng chừng, thậm chí có phần “nhũn nhặn” của Mỹ được biết thành một “tuyệt chiêu”dưới thời Tổng thống Obama. Nó đã làm cho một số đồng minh của Mỹ có phần chán nản và bắt đầu chuyển sang tìm kiếm những mối quan hệ đồng minh mới, đồng thời họ cũng phải dốc sức phát triển vũ khí, trang bị để tự cứu mình. Phải chăng Mỹ đang đứng trước một viễn cảnh ảm đạm, tự làm mình sa chân vào chủ nghĩa tự cô lập?

Mỹ đã sa lầy trong 2 cuộc chiến không lối thoát là Iraq và Afghanistan đến nỗi sức cùng lực kiệt, hiện nay họ còn phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng kinh tế. Nếu Mỹ vì những nguyên nhân đó mà co hẹp phạm vi hoạt động về bắc Mỹ, cục diện ổn định ở châu Á chắc chắn sẽ trở nên bất ổn. Có thể nói, làm thế nào để ngăn chặn viễn cảnh này xuất hiện sẽ là một “khảo nghiệm thực tế” khắc nghiệt đối với Nhật Bản và chỉ có họ mới tự giải quyết được khúc mắc của mình.