Nhật báo The Australia: Hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông là biểu hiện mới nhất cho thấy Bắc Kinh coi thường luật lệ quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhật báo hàng đầu Australia, tờ The Australian vừa mới đăng tải bài viết có nhan đề “Bắc Kinh thử thách Mỹ ở Biển Đông” cho rằng sự giận dữ ở Philippines về việc Trung Quốc triển khai hàng trăm tàu dân quân biển giả dạng tàu đánh cá, bất chấp luật pháp quốc tế là chính đáng, đồng thời cho rằng những âm mưu phi pháp của Trung Quốc nhằm chiếm đóng thêm lãnh thổ ở Biển Đông là một “phép thử” đối với chính quyền của Tổng thống Mỹ Biden.
Các tàu của Trung Quốc neo đậu ở gần khu vực Đá Ba Đầu thuộc cụm đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Các tàu của Trung Quốc neo đậu ở gần khu vực Đá Ba Đầu thuộc cụm đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Mở đầu bài viết, The Australian khẳng định, những phản ứng mạnh mẽ của Philippines liên quan đến việc Trung Quốc triển khai hàng trăm tàu dân binh giả dạng tàu đánh cá, bất chấp luật pháp quốc tế là có cơ sở. Vì vậy, việc Washington cử nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt hùng hậu của Hạm đội 7 tới Biển Đông trong bối cảnh căng thẳng gia tăng do nỗ lực mới gây hấn của Bắc Kinh nhằm khẳng định quyền sở hữu đối với lãnh thổ không thuộc về nước này, cũng là hành động chính đáng. Lực lượng tàu chiến Mỹ gồm tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill và tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Russell.

Căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc đang gia tăng xung quanh sự hiện diện của đội tàu chiến gồm 220 tàu dân binh của Trung Quốc vào sâu bên trong khu vực gần Đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Mặc dù Trung Quốc tuyên bố đội tàu này bao gồm các tàu đánh cá trú ẩn khi thời tiết xấu, tuy nhiên, “không có dấu hiệu về thời tiết xấu ở khu vực này. Đồng thời, phân tích của các chuyên gia cho thấy “không có bằng chứng nào về việc đánh bắt cá, mà mọi dấu hiệu đều liên quan đến yêu sách lãnh thổ”.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã cáo buộc Trung Quốc đang tìm cách “chiếm các vùng đất bên trong vùng biển Philippines” và “sự hiện diện liên tục của các lực lượng dân binh Trung Quốc trong khu vực cho thấy ý định của Trung Quốc chiếm thêm (các khu vực thuộc Philippines). Họ đã làm điều này trước đây” - ông Delfin Lorenzana nói, đề cập Bãi cạn Scarborough và Đá Vành Khăn, đã bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép vào năm 2012 và 1995 trong các hoạt động tương tự. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã nhanh chóng cam kết hỗ trợ mạnh mẽ Philippines trong tình thế căng thẳng trên. Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan đã tái khẳng định một cách mạnh mẽ về “khả năng áp dụng Hiệp ước Phòng thủ tương hỗ Mỹ-Philippines” đối với khu vực Biển Đông và những căng thẳng xung quanh Đá Ba Đầu.

Theo The Australian, những nỗ lực phi pháp của Trung Quốc nhằm đe dọa Philippines và chiếm đóng thêm lãnh thổ ở Biển Đông, nơi hơn 1/3 hoạt động thương mại của thế giới đi qua, là một phép thử cho quyết tâm của chính quyền Biden chống lại sự “bắt nạt” của Bắc Kinh. Trong hơn một thập kỷ, Trung Quốc đã có nhiều hoạt động để thiết lập quyền thống trị ở các vùng biển xung quanh Philippines, Việt Nam, Malaysia, Indonesia và vùng lãnh thổ Đài Loan, xây dựng phi pháp các cơ sở quân sự và quấy rối và bắt nạt các quốc gia khác.

Theo The Australia, hành động gây hấn của Trung Quốc đối với Philippines là biểu hiện mới nhất cho thấy Bắc Kinh coi thường trật tự thế giới dựa trên luật lệ cũng như việc Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc bác bỏ tuyên bố chủ quyền phi lý của nước này đối với 90% Biển Đông vào năm 2016. Do đó, nhiều quốc gia ủng hộ tự do hàng hải trên Biển Đông đã lên tiếng phản đối những hành động trên của Trung Quốc. Đối đầu với Trung Quốc đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ của các quốc gia Bộ tứ (Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia) và các quốc gia Đông Nam Á có chủ quyền bị Trung Quốc đe dọa hoặc chiếm đoạt bằng sự xâm lược không ngừng trên biển. Tổng thống Mỹ Joe Biden có trách nhiệm nặng nề trong việc đối phó với hành động gây hấn của Bắc Kinh đối với Philippines. Trung Quốc sẽ theo dõi chặt chẽ để xem phản ứng của ông Biden. Những tuyên bố cứng rắn của chính quyền các cựu Tổng thống Barack Obama và Donald Trump cũng như việc điều tàu chiến đi qua các khu vực tranh chấp là chưa đủ để ngăn cản Trung Quốc chấm dứt những hành động gây hấn hiện nay.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines và Mỹ điện đàm, thảo luận về tình hình Biển Đông

Ngày 10-4, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin, thảo luận về tình hình ở Biển Đông. Hai bên cho biết đều mong muốn tiến hành cuộc tập trận chung mang tên “Balikatan”.

Tuyên bố do văn phòng của Bộ trưởng Lorenzana công bố, cho biết hai bộ trưởng cũng thảo luận những diễn biến gần đây về an ninh trong khu vực. Ông Lloyd Austin đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Thỏa thuận các Lực lượng thăm viếng Philippines - Mỹ (VFA). Thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby cho biết, trong cuộc điện đàm ngày 10-4, hai bộ trưởng quốc phòng đã thảo luận về sự xuất hiện gần đây của các tàu dân binh Trung Quốc ở gần Philippines trên Biển Đông. Cuộc điện đàm này được tiến hành khi ông Lorenzana đang trên máy bay từ Washington tới Israel để bắt đầu chuyến công du quốc tế.