Nhật Bản vất vả ngăn chặn máy bay Nga, Trung Quốc như thời Chiến tranh lạnh

ANTĐ - Vào hôm 15-4, lực lượng không quân Nhật Bản cho biết các máy bay chiến đấu của nước này đã phải hoạt động nhiều như thời Chiến tranh lạnh sau khi các máy bay ném bom Nga liên tục lượn lờ vùng phía bắc và máy bay Trung Quốc xâm phạm không phận phía nam.

"Tính đến ngày 31-3, trong vòng 12 tháng qua, các chiến đấu cơ Nhật Bản đã phải xuất kích 944 lần để chặn các máy bay nước ngoài, tăng 16% so với cùng kì năm ngoái", đại diện Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cho biết. Đây là con số cao thứ 2 được ghi nhận kể từ năm 1958 và chỉ ít hơn số lần đánh chặn của năm 1984.

Chiến đấu cơ Nhật Bản làm việc với cường độ cao như thời Chiến tranh lạnh

Các máy bay oanh tạc và tuần tra của Nga thường xuyên đi vào không phận Nhật Bản, gần với đảo phía bắc Hokkaido và gần với 4 hòn đảo nhỏ hơn, đang trong quá trình tranh chấp giữa 2 nước.

Vấn đề tranh chấp lãnh thổ khiến Nga và Nhật bản chưa thể thống nhất về một thoả thuận hoà bình sau Thế chiến II. Các máy bay Nga cũng thường xuyên bay vòng quanh quần đảo Nhật Bản.

Trong khi đó, các chiến đấu cơ Trung Quốc chủ yếu xâm phạm không phận Nhật Bản ở biển Hoa Đông, gần với quần đảo đang tranh chấp giữa 2 nước là Senkaku/Điếu  Ngư. Vào năm ngoái, một số lượng lớn các máy bay Trung Quốc đã bay xuyên qua không phận Nhật Bản để tiến vào Tây Thái Bình Dương.

Thống kê trên có thể không phải là một phương pháp đo lường trực tiếp hoạt động của quân đội Nga và Trung Quốc, tuy nhiên, nó cũng nói lên phần nào kế hoạch của 2 nước láng giềng với Nhật Bản.

Ngoài việc phải đối đầu vấn đề Trung Quốc tích cực tăng chi tiêu quốc phòng hơn 10% mỗi năm, Nhật Bản cũng phải hành động theo Mỹ trong chính sách đối với Nga sau sự kiện bán đảo Crimea được sáp nhập trở lại Liên bang Nga và các sự kiện diễn ra tại Ukraine.

Nhật Bản đã tăng cường đáng kể chi tiêu quốc phòng nhằm mua mới các trang thiết bị bao gồm máy bay tuần tra tầm xa, máy bay vận tải, trực thăng Boeing V-22 Osprey và tiêm kích tàng hình Lockheed Martin F-35.

Ngoài ra, chính quyền Nhật Bản còn đang tìm cách nới lỏng hạn chế hiến pháp về quyền sử dụng quân sự, nhằm cho phép quân đội nước này hoạt động thoải mái hơn ở nước ngoài, cũng như dễ dàng tăng cường hợp tác với Mỹ.