Nhật Bản tiếp nhiên liệu cho tàu hải quân Mỹ giám sát Triều Tiên

ANTD.VN -Các nguồn tin chính phủ cho biết, các tàu thuộc Lực lượng Phòng vệ trên Biển Nhật Bản (MSDF) đã tiếp nhiên liệu ít nhất 17 lần cho các tàu thuộc Hải quân Mỹ trên Biển Nhật Bản, nhằm thực thi nhiệm vụ canh gác trước các vụ phóng thử tên lửa đạn đạo tiềm tàng của Triều Tiên trong năm 2017.

Nhiệm vụ tiếp nhiên liệu được quy định dựa trên Thỏa thuận Thu nhận và dịch vụ tương hỗ (ACSA) ký giữa Nhật Bản và Mỹ sau khi một đạo luật an ninh quốc gia gây tranh cãi có hiệu lực hồi tháng 3/2016.

Luật an ninh mới tạo điều kiện cho sự hợp tác sâu rộng hơn giữa lực lượng phòng vệ Nhật Bản và quân đội Mỹ, cũng như cho phép Nhật Bản thực thi quyền phòng vệ tập thể. Luật này cũng cho phép tiếp nhiên liệu và các nguồn khác, trong đó có đạn dược, trong khuôn khổ các điều kiện nhất định, ví dụ như tình huống đe dọa tính mạng đối với Nhật Bản.

Hoạt động tiếp nhiên liệu của Nhật Bản cho tàu của Mỹ

Theo các nguồn tin, tàu tiếp nhiên liệu Mashu và các tàu khác của MSDF cung cấp hơn 5 triệu lít nhiên liệu cho tàu Aegis của Hải quân Mỹ tuần tra tại khu vực Biển Nhật Bản trong giai đoạn tháng 5 tới tháng 12/2017. Các tàu của MSDF cũng tiếp nhiên liệu cho các tàu cũng thuộc MSDF tại vùng biển tương tự. Các tàu này đang thực hiện sứ mệnh giám sát các vụ thử tên lửa đạn đạo có thể xảy ra của Bình Nhưỡng. Năm ngoái, Triều Tiên đã 15 lần phóng thử tên lửa. 

Việc tiếp liệu cho phép các tàu hải quân Mỹ mở rộng sứ mệnh tuần tra mà không cần quay trở lại căn cứ. Các quan chức quân sự Mỹ lâu nay tìm kiếm sự hợp tác từ phía MSDF cho mục đích tiếp liệu, và yêu cầu này phản ánh sự điều chỉnh trong luật của lực lượng phòng vệ Nhật Bản. 

Ngoài ra, từ tháng 5 đến tháng 8 năm ngoái, tàu sân bay trực thăng Izumo của MSDF cung cấp nhiên liệu và lương thực cho các tàu hải quân Mỹ trong quá trình diễn tập huấn luyện chung trên Biển Đông. Izumo cũng tiếp nhận khoảng 2 triệu lít nhiên liệu cũng như thực phẩm từ các tàu hải quân Mỹ. 

Sự trao đổi này chứng tỏ hợp tác Nhật-Mỹ đã được mở rộng tới các vùng biển mà Trung Quốc đã gia tăng sự hiện diện quân sự.

Nhật Bản và Mỹ đã ký ACSA từ năm 1996, nhưng các điều khoản về nhiên liệu trước đây chỉ giới hạn ở những trường hợp Nhật Bản bị tấn công trực tiếp hoặc trong các cuộc tập trận chung, hoạt động cứu hộ và cứu nạn quốc tế của Mỹ.