Nhật Bản sợ không chống đỡ nổi tên lửa của Triều Tiên

ANTD.VN - Trước việc Triều Tiên đang tiến quá nhanh trong việc phát triển tên lửa, giới chức Nhật Bản đang lo ngại họ sẽ không thể chống đỡ được một đợt tấn công bằng tên lửa của nước này nếu thiếu sự giúp đỡ từ Mỹ. 

Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo tối cao Kim Jong-un, Triều Tiên đã tiến hành 21 vụ thử tên lửa đạn đạo từ đầu năm đến nay, một tần suất dày đặc chưa từng có trong lịch sử nước này, khiến các quốc gia láng giềng cùng cộng đồng quốc tế quan ngại.

“Tiến trình phát triển tên lửa của Triều Tiên nhanh hơn dự tính, trong khi đó, lại có giới hạn về khả năng phòng thủ của chúng tôi”, một quan chức quân đội Nhật Bản cho hay.

Tới tháng 4 năm nay, quá trình nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD) của Nhật Bản mới bắt đầu được tiến hành, còn việc triển khai hệ thống mới nhằm đối phó với tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Bình Nhưỡng có thể kéo dài vài năm.

Nhật Bản buộc phải dựa vào Mỹ để chống trả Triều Tiên

Do những hạn chế trong chính sách cũng như chi phí quốc phòng nên Nhật Bản chưa thể đẩy nhanh tiến độ nâng cấp hệ thống phòng thủ. Theo giới chức Nhật Bản, điều này làm Tokyo buộc phải tiếp tục dựa vào đồng minh thân cận Mỹ.

Nhật Bản và Triều Tiên đã bước vào cuộc chạy đua vũ trang từ năm 1998 khi Bình Nhưỡng phóng một quả tên lửa qua lãnh thổ Nhật Bản. Đến tháng 6 năm nay, Bình Nhưỡng đã phóng tên lửa tầm trung Musudan với quỹ đạo hình cầu lên tới độ cao 1.000km. Điều này chứng tỏ Bình Nhưỡng hoàn toàn có khả năng phóng đầu đạn vượt tầm kiểm soát của hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo trên tàu khu trục Aegis trên biển Nhật Bản.

Nhật Bản vẫn còn hệ thống phòng không Patriot là lớp phòng thủ cuối cùng tuy nhiên, hệ thống này được đánh giá là không thích hợp cho đánh chặn các tên lửa tốc độ cao như Musudan. Một chương trình nâng cấp tầm bắn và độ chính xác của hệ thống Patriot trị giá 1 tỉ USD sẽ bắt đầu được thực hiện từ tháng 3 năm sau tuy nhiên, nó chỉ sẵn sàng sớm nhất là vào năm 2020.

Về lâu dài, Nhật Bản đang cân nhắc khả năng mua hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ cũng như triển khai thêm các hệ thống Aegis trên bộ để nâng cao năng lực phòng thủ. Tuy nhiên, điều này chắc chắn sẽ mất một vài năm để nghiên cứu công nghệ, kêu gọi nguồn vốn, thiết lập và vận hành các hệ thống trên thực địa.