Nhật Bản "ra giá" mới cho quần đảo tranh chấp

ANTD.VN - Tranh chấp chủ quyền với Quần đảo Nam Kuril - khúc mắc trong quan hệ Nga - Nhật liệu sẽ có hướng giải quyết sau tiết lộ mới nhất của Tokyo?

Nhật Bản "ra giá" mới cho quần đảo tranh chấp ảnh 1

Một cuộc tập trận của Nga tại căn cứ Nam Kuril

Theo các nguồn tin ngoại giao, Nga đã khẳng định với Nhật Bản rằng họ tôn trọng Tuyên bố chung Nhật Bản - Liên Xô năm 1956, trong đó nêu rõ Mátxcơva sẽ trao trả đảo Shikotan và đảo Habomai thuộc Quần đảo Nam Kuril sau khi ký kết hiệp ước hòa bình với Tokyo. Tuy nhiên, Nga cũng bày tỏ quan ngại rằng quân đội Mỹ có thể đóng trên những đảo này sau khi được trao trả.

Để giải tỏa lo ngại của Nga, Tokyo đang xem xét đảm bảo với Mátxcơva rằng việc trao trả Shikotan và Habomai sẽ không dẫn tới với việc quân đội Mỹ đến đồn trú ở những đảo này theo như các thỏa thuận an ninh Nhật – Mỹ. Điều 5 của thỏa thuận an ninh Nhật - Mỹ cho phép binh sĩ Mỹ đồn trú ở những vùng lãnh thổ do Nhật Bản quản lý. 

Chưa biết Mátxcơva sẽ phản ứng thế nào trước thông tin từ Tokyo nhưng một lần nữa chủ đề Quần đảo Nam Kuril lại nóng lên. Quần đảo Kuril theo cách gọi của Nga, hay Quần đảo Chishima theo cách gọi của Nhật Bản, là một chuỗi khoảng 56 đảo và nhiều đảo đá nhỏ khác có nguồn gốc núi lửa, nằm trải dài khoảng 1.300km suốt từ Bán đảo Kamchatka của Nga ở phía Bắc đến đảo Hokkaido của Nhật Bản ở phía Nam. 

Các tranh chấp hiện nay trên Quần đảo Kuril phát sinh do hậu quả của chiến tranh thế giới thứ hai và kết quả của sự mơ hồ và bất đồng về ý nghĩa của các thỏa thuận Yalta (tháng 2-1945), Tuyên bố Potsdam (tháng 7-1945) và Hiệp ước San Francisco (tháng 9-1951). Sau phát xít Nhật bại trận vào năm 1945, Liên Xô chiếm đóng toàn bộ Quần đảo Kuril. Tuy nhiên đến nay Nhật vẫn khẳng định chủ quyền của mình ở 4 đảo cực nam của quần đảo này gồm Shikotan, Habomai, Etorofu và Kunashiri.

Chính mâu thuẫn xung quanh chủ quyền với 4 hòn đảo trên đã khiến Nga và Nhật Bản cho đến nay vẫn chưa ký được hiệp ước hòa bình, mặc dù Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc đã 71 năm. Do đó, về mặt lý thuyết hai nước vẫn đang trong tình trạng chiến tranh. Đối với Nga, Quần đảo Kuril có ý nghĩa chiến lược trong việc đảm bảo sự kiểm soát của Nga với vùng biển Okhotsk và cho hoạt động của Hải quân Nga. Rút quân khỏi Nam Kuril sẽ gây phức tạp cho vị thế chiến lược của Nga.

Trong quá khứ, tranh chấp Quần đảo Nam Kuril tưởng như đã được tháo gỡ khi trong các cuộc đàm phán hòa bình năm 1956 giữa Nhật Bản và Liên Xô, phía Liên Xô đề nghị giải quyết mâu thuẫn bằng cách trả lại Shikotan và Habomai cho Nhật Bản. Tuy nhiên, đề nghị trên sau đó đã bị “đóng băng” bởi những vướng mắc của thời “Chiến tranh Lạnh”. Tình trạng giữa hai bên đã không thay đổi kể từ đó, và một hiệp ước hòa bình giữa Nhật Bản và Nga vẫn chưa được ký kết.

Sau khi Liên Xô tan rã, Nhật Bản đã nhiều lần dùng con bài kinh tế ve vãn nhằm tìm thỏa hiệp từ phía Nga, nước thừa kế những cam kết quốc tế từ Liên Xô nhưng đang rơi vào khủng hoảng kinh tế. Tokyo từng đề nghị hợp tác với Nga trong lĩnh vực kinh tế và năng lượng tại các đảo tranh chấp, hay đánh tiếng gợi ý Nga và Nhật Bản cùng chia sẻ trách nhiệm quản lý quần đảo tranh chấp Nam Kuril….

Đưa ra lời đảm bảo rằng sẽ không để quân đội Mỹ đến đồn trú tại 2 đảo cực nam của Quần đảo Kuril một khi các đảo này được Nga trao trả là sáng kiến mới nhất mà Nhật Bản đặt lên bàn đàm phán với Nga.

Tất nhiên, đằng sau lời đề nghị này là những thỏa hiệp khác mà Tokyo phải tính đến, nhất là những lợi ích về kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền đang là vấn đề nóng ở khu vực Đông Bắc Á, đề nghị của Tokyo chưa phải là công thức có sức nặng để tìm lời giải cho tương lai của Quần đảo Nam Kuril.