Nhật Bản phản đòn trên Biển Hoa Đông

ANTĐ - Quyết định của Nhật Bản mở rộng hoạt động giám sát của mình trên Biển Hoa Đông đang được coi là hành động phản ứng lại việc Trung Quốc đẩy mạnh việc khẳng định chủ quyền với quần đảo Senkaku đang tranh chấp giữa hai nước.

Nhật Bản phản đòn trên Biển Hoa Đông ảnh 1

Đảo  Yonaguni - nơi Nhật Bản dự kiến sẽ tăng cường lực lượng quân sự

Giải thích mục đích của Tokyo, Đại tá M. Yamamoto, tùy viên quân sự tại Đại sứ quán Nhật Bản ở Washington cho biết: “Đây (tức quần đảo Senkaku) là một khu vực đang bị bỏ trống quyền lực. Chúng tôi nghĩ rằng cần phải tăng cường khả năng tình báo để Nhật Bản có thể phản ứng tốt hơn”.

Ông M. Yamamoto cho biết thêm: “Tàu hải cảnh Trung Quốc liên tục đi vào vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku. Chúng tôi nghĩ rằng họ đang thử giới hạn chịu đựng của Nhật Bản giống như Việt Nam đối với các hành động này là như thế nào”.

Nằm trên Biển Hoa Đông, quần đảo Senkaku (theo tiếng Nhật Bản) và Điếu Ngư (theo cách gọi của Trung Quốc) cách Đài Loan khoảng 150km và cách đảo Okinawa của Nhật Bản khoảng 400km. Quần đảo này chỉ rộng chưa đến 5km2 và không có người ở này là nơi sinh sống của những đàn dê hoang, nhưng lại luôn là ngòi nổ làm nóng quan hệ Tokyo - Bắc Kinh.

Trong khi Bắc Kinh tuyên bố, tư liệu từ thời nhà Minh vào những năm 1300 khẳng định rằng quần đảo này là một phần lãnh thổ Trung Quốc, thì Tokyo tuyên bố nước này sáp nhập Senkaku vào tỉnh Okinawa và chính thức nắm chủ quyền quần đảo này từ năm 1895. Sau Chiến tranh thế giới lần II, Mỹ được ủy thác kiểm soát quần đảo Senkaku nhưng vào năm 1972, Mỹ đã trả lại quần đảo này cho Nhật.

Trong vài thập kỷ, Nhật Bản đã cho hoạt động một nhà máy nhỏ chuyên sấy khô cá và đưa 200 người tới đó sống. Căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư thực sự bùng nổ kể từ năm 2012, khi Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo này. Việc Senkaku/Điếu Ngư nằm gần ngư trường và tuyến đường hàng hải quan trọng cùng những tiềm năng dầu và khí tự nhiên càng làm cho tranh chấp giữa Tokyo với Bắc Kinh nóng thêm.

Thời gian gần đây, các máy bay và tàu của Trung Quốc thường xuyên tiếp cận Senkaku/Điếu Ngư. Cuối năm ngoái, một tàu hải cảnh Trung Quốc có trang bị pháo lần đầu tiên đã đi vào vùng biển gần quần đảo và ở lại trong khoảng một giờ. Tokyo hiểu rõ rằng đây là những hành động nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, mặt khác nhằm thử phản ứng của phía Tokyo để có hành động tiếp theo.

Với việc tăng cường hoạt động giám sát của mình trên Biển Hoa Đông, Tokyo muốn có hành động đáp trả toan tính của Trung Quốc, răn đe để Bắc Kinh không có động thái cứng rắn hơn. Không thể đưa quân đến quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư vì chắc chắn sẽ làm quan hệ với Bắc Kinh thêm căng thẳng, Tokyo chọn đảo Yonaguni, cách quần đảo Senkaku/Điếu Ngư khoảng 170 km, là nơi để triển khai lực lượng.

Rộng 28,88 km2, Yonaguni đã có sẵn 1.800 cư dân sinh sống. Trên đảo có một sân bay được xây dựng vào năm 1943 với đường băng dài tới 2.000 m. Ngoài ra, Yonaguni cũng có hai bến tàu, có thể neo đậu tàu dưới 2.000 tấn. Theo kế hoạch, một trạm radar quan sát sẽ được xây dựng mới trên đảo Yonaguni và khoảng 150 binh sĩ của lực lượng này dự kiến sẽ đến đây vào ngày 28-3 tới.

Do đảo Yonaguni cách đảo Senkaku chỉ có 170 km, Nhật Bản có thể tăng mạnh số lượng tàu chiến của nước này đến vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nếu triển khai thêm máy bay săn ngầm P-3C và tàu săn ngầm ở Yonaguni, Nhật Bản có thể đẩy tuyến phong tỏa săn ngầm về phía trước gần 500 km, đồng thời có thể theo dõi hiệu quả tàu thuyền Trung Quốc đến vùng biển này, từ đó tiếp tục nắm lấy và kiểm soát quyền chủ động cả khu vực. Đòn phản công này của Tokyo chắc chắn sẽ gặp sự phản ứng mạnh của Bắc Kinh.