- Châu Á đối mặt với “quả bom hẹn giờ” già hóa dân số
- Đông Nam Á đối mặt với “thách thức kép” già hóa dân số và an sinh xã hội
- Góc khuất đằng sau tình trạng già hóa dân số ở Nhật Bản
Hết tiền là phạm pháp
Tại trại Tochigi, các phạm nhân làm việc trong nhà máy và xưởng sản xuất. Họ được ăn uống đầy đủ, chăm sóc sức khỏe miễn phí. Yoko, 51 tuổi, 5 lần lĩnh án về tội liên quan đến ma túy trong 25 năm qua cho hay: “Một số người cố tình phạm pháp và bị bắt để họ có thể vào tù lần nữa, nếu họ hết tiền”.
Bà Akiyo, phạm nhân 81 tuổi, đang thụ án vì tội ăn cắp vặt |
Bà Akiyo, một phạm nhân 81 tuổi đang thụ án vì tội ăn cắp vặt chia sẻ: “Ở đây có rất nhiều người tốt. Có lẽ cuộc sống này là ổn định nhất đối với tôi”. Bà Akiyo hiểu quá rõ gánh nặng của sự cô lập và nghèo đói. Đây là lần thứ hai bà vào tù, sau lần trước bị bỏ tù ở độ tuổi 60 vì tội ăn cắp thức ăn. “Nếu tôi ổn định về tài chính và có lối sống thoải mái, tôi chắc chắn đã không làm như vậy”, bà nói.
Ở vụ trộm thứ hai, bà Akiyo khi đó sống bằng khoản lương hưu ít ỏi, tiền hết mà sắp đến kỳ thanh toán hóa đơn. Trong khi, bà gần như không còn ai trong gia đình quan tâm. Người con trai 43 tuổi của bà thường nói: “Con ước gì mẹ biến đi”. “Tôi không thiết gì nữa. Sống chẳng có ý nghĩa gì và chỉ muốn chết thôi”, bà kể.
Một tháng trước khi mãn hạn tù, bà Akiyo vẫn sợ phải đối mặt với con trai mình. Bà định xin lỗi và cầu xin sự tha thứ của con trai, nhưng nói rằng: “Tôi thực sự cảm thấy rằng nếu có ý chí mạnh mẽ hơn, tôi có thể đã sống một cuộc sống khác, nhưng giờ tôi đã quá già để làm bất cứ điều gì”.
Trộm cắp là tội phạm phổ biến nhất mà các phạm nhân lớn tuổi ở Nhật Bản phạm phải, đặc biệt là phụ nữ. Theo số liệu của chính phủ nước này, năm 2022, hơn 80% tù nhân nữ lớn tuổi bị tống giam vì tội trộm cắp.
Tại Trại giam dành cho nữ Tochigi gần Tokyo, cứ 5 phạm nhân thì có 1 người cao tuổi |
Một số người làm vậy để sinh tồn, bởi theo thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), 20% người trên 65 tuổi ở Nhật Bản sống trong cảnh nghèo đói, so với mức trung bình là 14,2% trên 38 quốc gia thành viên của tổ chức này.
“Có những người đến đây vì trời lạnh hoặc vì họ đói”, Takayoshi Shiranaga, một giám thị tại trại Tochigi cho biết. “Những người bị bệnh có thể được điều trị y tế miễn phí khi ở trong tù, nhưng sau khi ra tù, họ phải tự trả tiền, vì vậy một số người muốn ở lại đây càng lâu càng tốt”.
“Thậm chí có những người nói rằng họ sẵn sàng chi 20.000 hoặc 30.000 yên (130-190 USD) một tháng nếu có thể để sống ở đây mãi mãi”, giám thị Shiranaga nói.
Hệ lụy của dân số già
Trên khắp Nhật Bản, số lượng tù nhân từ 65 tuổi trở lên đã tăng gần gấp 4 lần giai đoạn từ 2003-2022 và điều này đã thay đổi bản chất của việc giam giữ. Nhiều trại giam giờ giống một viện dưỡng lão hơn là nơi giam giữ tội phạm.
Một phần vấn đề đối với những cựu phạm nhân là thiếu sự hỗ trợ khi họ tái hòa nhập với xã hội. Megumi, một giám thị tại Tochigi cho hay: “Ngay cả sau khi họ được thả và trở lại cuộc sống bình thường, họ vẫn không có ai chăm sóc. Cũng có những người bị gia đình bỏ rơi sau nhiều lần phạm tội, họ không có nơi nào để về”.
Nhiều trại giam ở Nhật Bản giờ giống một viện dưỡng lão hơn là nơi giam giữ tội phạm |
Bộ Phúc lợi Nhật Bản vào năm 2021 cho rằng, những tù nhân lớn tuổi nhận được hỗ trợ sau khi ra tù ít có khả năng tái phạm hơn. Kể từ đó, họ đã tăng cường các nỗ lực can thiệp sớm và các trung tâm cộng đồng để hỗ trợ tốt hơn cho những người già yếu.
Bộ Tư pháp cũng đã triển khai các chương trình dành cho phạm nhân nữ, hướng dẫn về cuộc sống tự lập, cai nghiện và cách điều chỉnh các mối quan hệ gia đình. Chính phủ hiện đang xem xét các đề xuất để nhiều người cao tuổi hơn có thể tiếp cận được các chế độ trợ cấp nhà ở, với 10 thành phố trên khắp Nhật Bản đã thử nghiệm các sáng kiến hỗ trợ người cao tuổi không có họ hàng thân thiết.
Nhưng không rõ liệu điều đó có đủ hay không ở một quốc gia có tuổi thọ cao nhất và tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Tình trạng dân số đang tăng nhanh đến mức Nhật Bản sẽ cần 2,72 triệu nhân viên chăm sóc vào năm 2040 và chính phủ cố gắng khuyến khích nhiều người tham gia ngành này hơn và nhập khẩu lao động nước ngoài để lấp đầy khoảng trống. Ngay ở Tochigi, các phạm nhân có trình độ điều dưỡng được yêu cầu trợ giúp những người khác tắm rửa, thay quần áo hay đi lại.