Nhật Bản: Mâu thuẫn giữa ký ATT và bỏ 3 nguyên tắc xuất khẩu vũ khí

ANTĐ - Ngày 25-2, nội các Nhật Bản đã thông qua một dự luật để phê chuẩn Hiệp ước buôn bán vũ khí (ATT) của Liên Hợp Quốc, nhằm kiểm soát việc buôn bán các loại vũ khí thông thường.

Hiệp ước này đã được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua hôm 2-4-2013, là công ước quốc tế đầu tiên quy định việc buôn bán các loại vũ khí thông thường như tàu chiến, xe tăng, máy bay trực thăng tấn công, máy bay chiến đấu và vũ khí hạng nhẹ.

Hiệp ước sẽ có hiệu lực khi được 50 quốc gia phê chuẩn trong khi đến nay mới có 11 nước phê chuẩn hiệp ước này.

Những quốc gia tham gia Hiệp ước buôn bán vũ khí sẽ bị cấm xuất, nhập khẩu hay môi giới các hợp đồng vũ khí, nếu những loại vũ khí đó có nguy cơ bị sử dụng cho mục đích khủng bố hay diệt chủng, hoặc thương vụ đó vi phạm một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Việc phê chuẩn diễn ra sau gần một năm Nhật Bản ký Hiệp ước này vào tháng 6-2013. Sau khi thông qua, nội các Nhật Bản sẽ trình lên Thượng viện để phê chuẩn dự kiến trước kỳ nghỉ tháng 6 năm nay.

Các loại vũ khí công nghệ cao của Nhật được rất nhiều nước ưa chuộng

Tuy nhiên, một số chuyên gia đặt nghi vấn liệu việc phê chuẩn hiệp ước này có phù hợp với quyết tâm của Thủ tướng Shinzo Abe xem xét lại chính sách hạn chế xuất khẩu vũ khí của nước này hay không.

Trong thời gian qua, Nhật Bản đã nhiều lần bày tỏ ý định phá bỏ “3 nguyên tắc xuất khẩu vũ khí” do chính tay họ soạn thảo tháng 4/1967. Tokyo dự định làm việc này để có thể xuất khẩu những vũ khí hàng đầu của họ như tàu ngầm AIP, thủy phi cơ US-2, máy bay tuần tiễu chống ngầm P-1 cho các đối thủ để kiềm chế Trung Quốc.

Ngoài lĩnh vực xuất khẩu vũ khí, phá bỏ 3 nguyên tắc này cũng cho phép Nhật được tham gia các chương trình hợp tác nghiên cứu, phát triển vũ khí với các đối tác khác.