Nhật Bản lo có Aegis trên bộ cũng không đánh chặn được tên lửa Triều Tiên

ANTD.VN - Theo nhiều nguồn tin an ninh từ Nhật Bản, chính phủ nước này đang lo ngại việc Mỹ sẽ không đồng ý cung cấp cho họ hệ thống radar hiện đại Spy-6, điều khiến mạng lưới phòng không Aegis chuẩn bị được triển khai không phát huy được hết tiềm năng như mong đợi trước tên lửa Triều Tiên.

Nhật Bản muốn có hệ thống phòng không Aegis trên bộ đi vào hoạt động vào năm 2023 như là một tầng đánh chặn mới trước tên lửa Triều Tiên.

Tuy nhiên, vấn đề của Nhật Bản hiện nay là nếu không có hệ thống radar Spy-6 hiện đại của Mỹ thì hệ thống radar cảnh báo sớm đang sử dụng của nước này còn có tầm phát hiện mục tiêu nhỏ hơn cả phạm vi đánh chặn của các hệ thống Aegis trên bộ.

Điều này làm giảm đi khả năng đánh chặn của hệ thống phòng không, vốn phải phụ thuộc nhiều vào việc dò tìm và phát hiện mục tiêu của các radar.

Sức mạnh của hệ thống Aegis phụ thuộc nhiều vào hệ thống radar tầm xa

Mối đe dọa quân sự đối với Nhật Bản liên tục gia tăng từ sau vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên vào ngày 29-8. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã lên án mạnh mẽ và tuyên bố đây là hành động gây hấn và khiêu khích, trong khi Tổng thống Trump cũng nhấn mạnh sẽ "100% hỗ trợ Nhật Bản".

Tuy nhiên, theo giới chức Nhật Bản, chưa có dấu hiệu rõ ràng nào chứng minh họ có thể sở hữu công nghệ của radar Spy-6. Hải quân Mỹ đang nghiêng về phương án ủng hộ Nhật Bản, tuy nhiên, Cơ quan phòng thủ tên lửa (MDA) lại có ý phản đối.

Nhờ sử dụng công nghệ vật liệu gallium-nitride, SPY-6 mạnh gấp nhiều lần hệ thống radar SPY-1 trên tàu khu trục lớp Arleigh Burke và tàu tuần dương lớp Ticonderoga hiện nay. Raytheon tuyên bố radar này có khả năng phát hiện mục tiêu nhỏ hơn một nửa và ở khoảng cách gấp đôi so với mẫu SPY-1.

Ngoài ra, trên thực tế, phải đến năm 2022, hải quân Mỹ cũng mới cố thể trang bị loại radar này lên các tàu chiến trang bị hệ thống Aegis.