Nhật Bản không ngoài "cuộc chơi" hạ tầng nghìn tỷ đô

ANTD.VN - Nhật Bản đã bất ngờ thay đổi quan điểm khi tỏ ý sẵn sàng gia nhập Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng nhằm tham gia vào các dự án hạ tầng hàng nghìn tỷ đô la Mỹ tại châu lục.

Nhật Bản không ngoài "cuộc chơi" hạ tầng nghìn tỷ đô  ảnh 1Châu Á đang cần nguồn vốn để đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế

Báo Nikkei của Nhật Bản ngày 16-5 cho biết, một số quan chức cấp cao của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền ở Nhật Bản, trong đó có Tổng thư ký LDP Toshihiro Nikai, đã lần đầu tiên phát tín hiệu cho thấy nước này sẵn sàng gia nhập Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng.

Đáng chú ý là động thái thể hiện sự thay đổi hoàn toàn quan điểm của Nhật Bản diễn ra ngay trước cuộc gặp của ông Toshihiro Nikai với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 16-5 khi ông tới Bắc Kinh tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác “Vành đai và Con đường”.

AIIB được Trung Quốc đề xuất ý tưởng thành lập vào năm 2013 khi mà cường quốc trỗi dậy này đã đưa ra sáng kiến “Vành đai và Con đường” và sáng kiến này được chính thức giới thiệu tại một buổi lễ ở Bắc Kinh vào tháng 10-2014. Sau thời gian ngắn được Trung Quốc ráo riết vận động, AIIB đã chính thức thành lập ngày 25-12-2015 với trụ sở đặt tại tại Bắc Kinh. Ngân hàng này là thể chế tài chính đa phương mới, cung cấp hỗ trợ tài chính cho hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng và kết nối khu vực châu Á.

AIIB hiện có 57 thành viên với tổng số vốn cơ bản 100 tỷ USD, trong đó Trung Quốc, Ấn Độ và Nga là những cổ đông lớn nhất. Trung Quốc hiện chiếm 30,34% cổ phần và nắm giữ 26,06% quyền biểu quyết tại ngân hàng chuyên đầu tư cho các dự án hạ tầng khu vực.

Trung Quốc khởi xướng thành lập AIIB trong bối cảnh tại châu Á có 3 định chế tài chính lớn, chiếm hầu hết các khoản vay hỗ trợ phát triển tại châu lục là Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Các định chế tài chính này đều do Mỹ và các nước phương Tây cùng đồng minh giữ vai trò chủ đạo và chi phối, trong đó Nhật Bản có đóng góp lớn và giữ vai trò quan trọng trong ADB.

AIIB vì thế được Trung Quốc - quốc gia đã trỗi dậy thành nền kinh tế thứ hai thế giới, lớn nhất châu Á và có dự trữ ngoại tệ tới 3 nghìn tỷ USD - khởi xướng thành lập với mục đích “đối trọng” lại với WB, IMF và nhất là ADB. Song cũng chính bởi vậy mà Mỹ và Nhật Bản, hai nền kinh tế lớn thứ nhất và thứ ba thế giới đã từ chối tham gia AIIB.

Tuy nhiên, dù mới chính thức cho vay khoản vay đầu tiên vào tháng 6-2016 nhưng AIIB lại đang được nhiều quốc gia đang phát triển ở châu Á chào mời bởi họ có nhu cầu vốn đầu tư cơ sở hạ tầng rất lớn, trong khi ngân hàng được Trung Quốc hậu thuẫn này đang dư dả nguồn vốn lớn.

Theo báo cáo do ADB đưa ra tháng 2 vừa qua, nếu muốn duy trì đà tăng trưởng từ nay tới năm 2030, nhu cầu vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng của châu Á sẽ vượt 22,6 nghìn tỷ USD, tương đương 1,5 nghìn tỷ USD mỗi năm.

Chủ tịch ADB Takehiko Nakao cho rằng, nhu cầu về cơ sở hạ tầng ở châu Á-Thái Bình Dương sắp tới vượt xa rất nhiều so với mức cung hiện thời bởi cần xây mới và nâng cấp cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Những cơ sở hạ tầng này tập trung vào các lĩnh vực năng lượng, giao thông, viễn thông, nước và vệ sinh.

Không tham gia AIIB có nghĩa là Nhật Bản không có tiếng nói và ảnh hưởng, mà nhường điều này cho Trung Quốc trong việc đầu tư cho hàng loạt dự án hạ tầng hàng nghìn tỷ USD ở châu Á. Chính điều này đã làm thay đổi quan điểm của Nhật Bản với AIIB.