Nhật Bản gặp khó khăn khi áp đặt trừng phạt lên Nga

ANTĐ - Sau EU và Mỹ, Nhật cũng tiếp tục mở rộng thêm các biện pháp trừng phạt lên Nga. Bằng cách này, Nhật Bản đã tự đẩy đất nước mình vào một tình thế khó khăn về ngoại giao. 

Trước đó, hôm 28/7, nội các của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố sẽ bổ sung thêm các lệnh trừng phạt lên Nga, bao gồm việc đóng băng tài sản của các tổ chức tham gia sáp nhập Crimea và gây ra cuộc khủng hoảng ở miền đông Ukraine, đồng thời Nhật Bản cũng hạn chế nhập khẩu từ Crimea.

Động thái này đã nhanh chóng gặp phải sự lên án của Bộ Ngoại giao Nga. Trong một tuyên bố, bộ này cho rằng đó là “một hành động thiếu thân thiện và thiển cận từ phía Nhật Bản”. Moscow cáo buộc Tokyo đã đưa ra một giải thích sai lệch nghiêm trọng về tình hình thực tế tại Ukraine và khẳng định rằng các biện pháp trừng phạt của Nhật Bản không những không phù hợp với hoàn cảnh hiện tại mà còn đe dọa các tới mối quan hệ của hai nước.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

Một số nhà phân tích chính trị Nhật Bản cho biết Tokyo sẽ phải đối phó với hậu quả khi cùng EU và Hoa Kỳ áp đặt trừng phạt lên Nga.

"Động thái của Nhật rõ ràng là đang cố gắng để cân đối giữa việc xoa dịu Mỹ, một đồng minh gần gũi, và cảnh báo Nga về một lệnh trừng phạt không quá xa lạ”- nhà bình luận ngoại giao Nhật Bản Kaoru Imori nói với Tân Hoa Xã- "So với các nước khác, biện pháp trừng phạt của Nhật Bản vào Nga thực sự là một cái gật đầu ngầm thông báo với Moscow rằng Nhật Bản không hoàn toàn đồng ý với cam kết về một mối quan hệ lâu dài với Moscow”. Tuy nhiên, Moscow lại không hoàn toàn hiểu nó theo nghĩa này.

Nhật Bản hy vọng lập trường “tương đối khoan dung” của nước này đối với Moscow vẫn có thể khiến các cuộc đàm phán đang diễn ra về tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước và việc hợp tác năng lượng được tiếp tục. Nhưng một số nhà phân tích tin rằng những hành động của Nhật Bản có thể làm những cố gắng củng cố mối quan hệ nghiêm túc bị đổ bể.

Ông Imori đã chỉ ra ý kiến của Bộ Ngoại giao Nga về vấn đề này trong một tuyên bố, "Nhật Bản đã chứng minh rất nhiều lần về việc đảm bảo các nỗ lực phát triển quan hệ với Nga, nhưng điều này chỉ là “màn kịch”  nhằm che đậy sự bất lực của chính trị gia Nhật để thoát khỏi sự kìm kẹp của Wasington và thực hiện con đường chính sách riêng phục vụ lợi ích đất nước”. 

Ông cũng nói thêm Nhật Bản không chỉ gặp khó khăn trong ngoại giao với Nga vì những cấm vận vội vàng mà điều đó còn dẫn đến một sự bế tắc quân sự giữa Tokyo và Moscow trên các đảo tranh chấp.

"Bây giờ Nhật Bản đang ở một vị trí bấp bênh, không biết thực hiện lời mời Tổng thống Putin sang thăm Nhật vào mùa thu năm nay ra sao, vì rất có thể điều này sẽ khiến Moscow coi như một việc làm vô nghĩa, phi đạo đức”, nhà phân tích chính trị Teruhisa Muramatsu của Nhật Bản cho biết.

"Chuyến thăm của ông Putin có thể là một cơ hội cho Nga và Nhật thúc đẩy các cuộc đàm phán về tranh chấp lãnh thổ, nhưng điều này rất khó xảy ra khi Moscow nói rằng động thái gần đây của Tokyo đã gây tổn hại cho quan hệ song phương và cản trở tiến trình ngoại giao của hai nước", ông Muramatsu nói.

Ông cũng nói thêm rằng các tranh chấp lãnh thổ lâu dài giữa Nga và Nhật Bản đã hy vọng được giải quyết sớm khi Thủ tướng Nhật nhiều lần bày tỏ việc muốn ký một hiệp ước hòa bình. Tuy nhiên, việc Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden ca ngợi ông Abe hôm 1/8 về việc áp đặt biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga, có thể thấy rằng Tokyo đang quy lụy Mỹ, điều này có thể gây ra thiệt hại lâu dài cho ngoại giao Nhật.