Nhật Bản "đau đầu" với hàng triệu ngôi nhà bị bỏ hoang

ANTD.VN - Theo báo cáo của Chính phủ Nhật Bản, 8,46 triệu ngôi nhà đang bị bỏ hoang trên khắp nước này, nhiều hơn khoảng 260.000 ngôi nhà so với khảo sát trước đó được thực hiện vào năm 2013.

Phần lớn nhà bỏ hoang ở khu vực nông thôn

Nhật Bản "đau đầu" với hàng triệu ngôi nhà bị bỏ hoang ảnh 1Nhà bị bỏ hoang chiếm 13,6% tổng số nhà ở được xây dựng tại Nhật Bản

Khi Mitsue Nagasaku còn là một đứa trẻ, 3 căn nhà nhỏ ở phía trước ngôi nhà của bố mẹ cô ở quận Negishi của thành phố Yokohama đều có người sinh sống. Cô thường nhìn thấy chủ nhân của căn nhà lớn nhất làm vườn. Người cuối cùng trong số những người sinh sống trong 3 căn nhà đó đã qua đời cách đây khoảng 10 năm. Mặc dù nằm ở một quận trung tâm, ngay gần tuyến đường sắt kết nối với trung tâm Thủ đô Tokyo, cả 3 căn nhà nêu trên đều đang trong tình trạng không có người ở.

Trong khi những ngôi nhà cũ khác đã bị phá dỡ và xây mới, 3 căn nhà trên vẫn bị bỏ trống và rơi vào tình trạng hư hỏng. Những dây leo mọc bên trong ngôi nhà có thể được nhìn thấy qua những ô cửa sổ bám đầy bụi, những tấm trần nhà bằng kim loại đã bị bong tróc và người đưa thư từ lâu đã không còn bỏ những tờ giấy báo vào những hòm thư bị gỉ sét nữa.

Theo báo cáo của Chính phủ Nhật Bản, 8,46 triệu ngôi nhà đang bị bỏ hoang trên khắp nước này, nhiều hơn khoảng 260.000 ngôi nhà so với khảo sát trước đó được thực hiện vào năm 2013. Con số thống kê mới nhất chiếm 13,6% tổng số nhà ở được xây dựng tại Nhật Bản.

Trong số những căn nhà bị bỏ hoang nêu trên, 4,99 triệu căn vẫn được đăng ký sử dụng với chính quyền địa phương. Những người chủ sở hữu nói rằng họ có kế hoạch cải tạo lại những ngôi nhà này hoặc bán chúng trong tương lai nhưng 3,47 triệu căn nhà còn lại hoàn toàn bị bỏ hoang. Con số này đã tăng 9,7% so với thống kê trước đó.

“Phần lớn những căn nhà bỏ hoang này nằm ở khu vực nông thôn, nơi đã chứng kiến một cuộc di dân lớn trong vài thập kỷ qua, khi nhiều người đổ dồn về các thành phố lớn để tìm kiếm cơ hội việc làm và một tương lai tốt đẹp hơn và khi cha mẹ họ qua đời, ngôi nhà bị bỏ trống”, Adam German, Phó Chủ tịch Công ty phát triển bất động sản Housing Japan, có trụ sở tại Tokyo, cho biết.

Luật thừa kế rắc rối và phức tạp

Có nhiều giả thiết được đặt ra để giải thích cho thực trạng này, ông German cho biết. Thường thì không ai trong số những người con muốn nhận lại ngôi nhà cũ từ cha mẹ, do đó nó rơi vào tình trạng hư hỏng. Hoặc họ mâu thuẫn với nhau về việc ai sẽ là người thừa kế ngôi nhà và nếu như ngôi nhà đó được chia đều cho tất cả các con thì họ cũng sẽ khó thống nhất với nhau về việc nên giữ lại hay bán ngôi nhà đi, dẫn đến việc những ngôi nhà không được sửa chữa.

Ông German cho biết thêm, luật thừa kế ở Nhật Bản khá rắc rối và phức tạp nên dễ gây nhầm lẫn cũng như mức thuế đánh vào tài sản của một người sau khi mất đi là khá cao. Điều này góp phần làm cho tình hình nhà bị bỏ hoang trở nên tồi tệ hơn. Trong một vài trường hợp khác, đối với những người không có họ hàng thân thích, khi họ qua đời, không có cách nào để có thể chuyển quyền sở hữu tài sản của người đã khuất cho người khác.

Kết quả là, những ngôi nhà đó sẽ bị bỏ hoang và chính quyền địa phương cũng không có quyền bán hoặc cải tạo lại ngôi nhà.

Việc dân số của Nhật Bản ngày một giảm đi cũng là nguyên nhân khiến cho tính cấp thiết của việc cải tạo lại hàng trăm nghìn ngôi nhà giảm đi, dù trước đó, chúng thường được coi là mục tiêu chính của rất nhiều người. Hiện dân số Nhật Bản có 126 triệu người, nhưng con số này đang giảm xuống và dự đoán dân số quốc gia này chỉ còn 88 triệu người vào năm 2065. Phần lớn trong số đó sẽ chọn sinh sống ở các thành phố và những ngôi nhà bỏ hoang sẽ trở thành một vấn đề nhức nhối tại các khu vực ngoại ô. “Bạn không cần phải đi quá xa ra khỏi khu vực phía Nam của thành phố Yokohama và những khu vực khác của tỉnh Saitama, phía Bắc Thủ đô Tokyo, để thấy rõ thực trạng này”, ông German cho biết, “Vấn đề căn bản trong xã hội Nhật Bản ở đây đó chính là tình trạng ngại kết hôn và sinh con. Thay vì sống trong một gia đình nhiều thế hệ ở ngoại ô, người ta thường có xu hướng sống độc thân và thuê những căn hộ một phòng trong những quận trung tâm, gần với nơi làm việc”.

Chính phủ Nhật Bản cuối cùng cũng thừa nhận rằng đã đến lúc họ cần làm điều gì đó để đảm bảo rằng những vùng nông thôn của quốc gia này không bị lãng quên bởi chính những con người đã góp phần xây dựng nên cộng đồng dân cư ở đó.

Hồi tháng 12-2018, nhà chức trách đã công bố kế hoạch trợ cấp số tiền lên đến 3 triệu yên (27.400 USD) cho bất cứ ai đồng ý từ bỏ cuộc sống tại Tokyo đông đúc để trở về sống tại khu vực nông thôn. Số tiền này được dùng để hỗ trợ chi phí di dời, tìm công việc mới hay thậm chí thành lập một công ty. Một số người có thể chọn cách mua lại các căn nhà đã hư hỏng và cải tạo lại nó.