Nhật Bản chính thức nới lỏng “3 nguyên tắc xuất khẩu vũ khí”

ANTĐ - Chính phủ Nhật Bản hôm 1-4 đã chính thức tuyên bố từ bỏ chính sách cấm xuất khẩu vũ khí và công nghệ quân sự hay còn gọi là “3 nguyên tắc xuất khẩu vũ khí”, có hiệu lực từ năm 1967 đến nay.

Thay vào đó, với một nghị quyết đặc biệt, nội các Nhật Bản đã thông qua những nguyên tắc mới liên quan đến việc cung cấp vũ khí ra nước ngoài. Văn kiện sửa đổi “3 nguyên tắc cấm xuất khẩu vũ khí” được Nhật soạn thảo từ cuối tháng 2 năm nay.

Kế hoạch này được khởi xướng bởi đảng “Dân chủ tự do” cầm quyền, nhằm nới lỏng đáng kể những chế ước này. Ý định này của Tokyo đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của Bắc Kinh, vì Trung Quốc sợ rằng Nhật sẽ cung cấp vũ khí cho 1 số nước có tranh chấp chủ quyền để đối phó với Trung Quốc.

Trước đây, Nhật đã rất nhiều lần lách luật để viện trợ tàu tuần tiễu cho một số nước đông nam Á như Philippines, Indonesia dưới dạng viện trợ phát triển của chính phủ (ODA) với các lí do hết sức hợp lí là: Chống hải tặc, bảo vệ các tuyến đường giao thông trên biển Đông hoặc sử dụng cho các “hoạt động chung của cộng đồng quốc tế”.

Nhật Bản chính thức nới lỏng “3 nguyên tắc xuất khẩu vũ khí” ảnh 1

Tàu ngầm AIP lớp Soryu, thủy phi cơ US-2, máy bay tuần tiễu chống ngầm P-1

Theo các nguyên tắc mới, vũ khí sẽ không được xuất khẩu sang các nước đang ở trong tình trạng xung đột vũ trang hoặc đang ở dưới ảnh hưởng của những biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Vũ khí được phép cung cấp ra nước ngoài chỉ trong trường hợp điều đó “sẽ đóng góp cho mục đích hòa bình và bảo đảm an ninh quốc gia của Nhật Bản”.

Tokyo nói họ tiếp tục giữ 3 nguyên tắc này và sẽ xem xét kỹ mỗi trường hợp trước khi quyết định có nên xuất khẩu vũ khí hay không. Các quy định mới đòi hỏi giám sát chặt chẽ việc sử dụng vũ khí và công nghệ quân sự của Nhật Bản đúng như những mục đích đã tuyên bố, cũng như kiểm soát việc chuyển giao chúng cho các nước thứ ba.

Nhật Bản chính thức nới lỏng “3 nguyên tắc xuất khẩu vũ khí” ảnh 2

Hệ thống tên lửa bờ đối hạm SSM-1 thuộc Type 88 của Nhật

Tokyo khẳng định, sau khi sửa đổi chính sách xuất khẩu vũ khí, Nhật không định trở thành một siêu cường quân sự mà họ sẽ tập trung chủ yếu vào các phương tiện quốc phòng không gây sát thương như tàu tuần tra, tàu rà quét lôi, máy bay phi chiến đấu, đồng thời cam kết không xuất khẩu các loại vũ khí như xe tăng, máy bay chiến đấu.

Trong thời gian qua, Nhật Bản đã nhiều lần bày tỏ ý định phá bỏ “3 nguyên tắc xuất khẩu vũ khí” do chính tay họ soạn thảo tháng 4/1967. Ngoài lĩnh vực xuất khẩu vũ khí, phá bỏ 3 nguyên tắc này cũng cho phép Nhật được tham gia các chương trình hợp tác nghiên cứu, phát triển vũ khí với các đối tác khác, đồng thời, họ có thể sửa chữa ở nước ngoài những thiết bị quân sự của Mỹ mà họ đang sử dụng đã bị hư hỏng. 


Nhật Bản chính thức nới lỏng “3 nguyên tắc xuất khẩu vũ khí” ảnh 3
Máy bay F-2A mang theo tên lửa chống hạm siêu âm ASM-3

Việc tự cấm vận xuất khẩu vũ khí và xu hướng cắt giảm ngân sách quốc phòng đã khiến các nhà thầu quốc phòng nổi tiếng, có trình độ công nghệ rất cao của Nhật như Mitsubishi Heavy Industries, Kawasaki Heavy Industries và IHI phải đứng ngoài thị trường vũ khí thế giới, không tiếp cận được với sự phát triển công nghệ quân sự, phạm vi sản xuất hạn hẹp khiến họ không giảm được chi phí sản xuất dẫn đến giá thành vũ khí, trang bị cao.

Hiện các công ty Mitsubishi Heavy Industries Ltd, Kawasaki Heavy Industries Ltd, Mitsubishi Electric Corp và Nippon Electric Company là những nhà sản xuất vũ khí hàng đầu Nhật Bản. Những vũ khí hàng đầu của họ như tàu ngầm AIP lớp Soryu, thủy phi cơ US-2, máy bay tuần tiễu chống ngầm P-1, tên lửa chống hạm phóng từ máy bay ASM-3, tên lửa bờ đối hạm SSM-1 Type 88… được cho là các vũ khí hàng đầu thế giới.