Nhật Bản chế tạo siêu tàu lặn, vượt trội tàu “Giao Long” của Trung Quốc

ANTĐ - Nhật Bản đang phát triển một tàu lặn có người lái, có thể lặn ở độ sâu kỷ lục thế giới: 12.000m, dự kiến năm 2023 sẽ đưa vào sử dụng.

Theo tin của mạng “Tin tức Nhật Bản”, cơ quan Nghiên cứu và phát triển hàng hải Nhật Bản đang có đề án phát triển một loại tàu ngầm có người lái có thể lặn sâu tới 12.000m, chuyên dùng để thăm dò nguồn tài nguyên nằm sâu dưới đáy biển.

Kế hoạch này do ông Yoshio Isozaki, chủ nhiệm Trung tâm kỹ thuật biển thuộc cơ quan nghiên cứu trên chịu trách nhiệm và nhận được sự hỗ trợ trực tiếp từ chính phủ Nhật. Chiếc tàu ngầm này được đặt tên là “Shinkai 12.000” (Mười hai ngàn mét dưới đáy biển).

Tàu lặn “Shinkai 6500” (trên, bên trái), “Shinkai 12000” (dưới, bên trái) của Nhật
và "Giao Long" (màu cam, trắng) của Trung Quốc

Ông Yoshio Isozaki cho hay, đến nay, chiếc tàu ngầm tiền nhiệm là “Shinkai 6500” chỉ có thể lặn sâu tối đa 6.500m. Nếu chiếc tàu ngầm mới chế tạo có thể lặn 12.000 mét, nó sẽ là chiếc tàu ngầm lặn sâu nhất từ trước đến nay, vượt qua kỷ lục của tàu lặn "Giao Long" -Trung Quốc là 7000m và hoàn toàn có thể chinh phục rãnh biển sâu nhất thế giới- Mariana (nằm ở quần đảo Ogasawara, Tokyo, Nhật Bản, chỗ sâu nhất là 10.911m).

Về tàu lặn “Giao Long”, bằng sự góp sức của khoảng 100 viện nghiên cứu và công ty trong cả nước, Trung Quốc chế tạo chiếc tàu này từ năm 2002 và hoàn thành 6 năm sau đó với chi phí 74 triệu USD. Con tàu đặc biệt này được thiết kế để thực hiện các nghiên cứu vật lý, hóa học, sinh học, khai thác nguồn lợi thủy sản và cứu hộ dưới đáy biển.

Cận cảnh tàu lặn "Giao Long" của Trung Quốc

Về thông số kỹ thuật, “Giao Long” có chiều dài 8,2m, nặng gần 22 tấn, được hoạt động thử nghiệm ở độ sâu 1.000m lần đầu tiên vào năm 2009. 

Hiện nay có tất cả 5 quốc gia, bao gồm: Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc và Nhật sở hữu công nghệ siêu tàu lặn có người lái ở độ sâu hơn 3.500m dưới mực nước biển.