Nhập tịch cầu thủ ngoại: Tiền là tất cả

ANTĐ - “Tôi yêu Việt Nam” - đó là câu cửa miệng của gần như tất cả những cầu thủ gốc ngoại đã nhập quốc tịch Việt Nam, và trở thành một công dân Việt Nam...

“Tôi khao khát được khoác áo ĐTVN” - đó cũng là một câu cửa miệng của gần như tất cả những con người này. Những câu nói như thế bóng bẩy, hấp dấn đến mức tạo cho người ta một cảm giác rằng, tất cả các cầu thủ trên quyết định chuyển đổi quốc tịch vì tình yêu sâu sắc của họ đối với dải đất hình chữ S. Nhưng tình yêu - bản chất của nó đôi khi rất trừu tượng, nên chỉ khi những va chạm nổ ra, những tranh chấp, kiện tụng xuất hiện người ta mới có điều kiện kiểm chứng cái gọi là “tình yêu” ấy. Và tiếc thay, trong gần như tất cả những vụ kiểm chứng này, những ai ảo tưởng, mù quáng tin vào “tình yêu” phần lớn đều phải ôm đầu thất vọng.

Lời tâm sự của ông chủ tịch và phút nói thật của Huỳnh Kesley

Sau một thời gian ngắn cho các cầu thủ nhập tịch khoác áo ĐTVN, VFF đã kín đáo “bắn” chỉ thị cho các đời HLV trưởng Calisto và Falko Goetz về việc không nên gọi các cầu thủ nhập tịch vào ĐT. Cái chỉ thị mà với nó ông Calisto đã tức đến phát điên nhưng vì muốn giữ một “không khí bình yên” nên vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Đã có lần tôi đặt tất cả những bức xúc của ông “Tô” lên bàn chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ. Ông Hỷ đáp: “Tôi hiểu ông “Tô” trong tư cách một HLV phải chịu trách nhiệm cuối cùng về kết quả của đội bóng đang nghĩ gì lắm chứ. Nhưng là người quản lý bóng đã, tôi cũng có những nguyên tắc của riêng tôi”.

“Nguyên tắc của riêng tôi” là gì? Ông Hỷ phân tích: “Một cầu thủ bóng đá khi nhập quốc tịch Việt Nam không có nghĩa là đã hoàn toàn thấu hiểu thuần phong mĩ tục của con người Việt Nam. Mọi người thử tưởng tượng xem, trong màu áo ĐTVN, một cầu thủ nhập tịch sau khi ghi bàn lại có tác phong ăn mừng kiểu châu Phi hay Nam Mĩ thì mọi thứ sẽ ra sao? Đấy có còn là ĐTVN của một nền văn hóa Việt Nam nữa không?”. Khi nói những câu như thế này, rõ ràng là ông Hỷ rất hiểu thực trạng mà ở đấy, các đội bóng đôi khi nhập tịch cầu thủ một cách vội vàng để phục vụ lợi ích của mình, chứ không hẳn vì các cầu thủ ấy đã hoàn toàn thấm nhuần văn hóa Việt.

Đinh Hoàng La

Tôi hỏi ông Hỷ: “Trong số những cầu thủ đã nhập tịch Việt Nam, ông thấy cầu thủ nào Việt Nam nhất?”. Không cần suy nghĩ, ông chủ tịch nói ngay: “Huỳnh Kesley của Sài Gòn Xuân Thành”. Ồng Hỷ kể rằng trong một lần ngồi ăn sáng ở TP HCM ông vô tình nhìn thấy Kesley cùng gia đình nhỏ của mình ngồi ở bàn bên cạnh. Và ông đã hết sức xúc động khi thấy Kesley chạy qua bàn mình nói câu: “cháu chào bác chủ tịch”. Sau đó Kesley còn bảo con trai mình: “Hãy khoanh tay, chào ông đi con”. Ông Hỷ kết luận: “Cách ứng xử như thế là rất Việt Nam đấy chứ!”. Và cùng với lời kết luận này, ông Hỷ bày tỏ niềm tin là khoảng một thời gian không xa nữa, khi những cầu thủ nhập tịch kiểu như Kesley mang chất Việt Nam nhiều hơn thì việc họ có mặt ĐTQG Việt Nam là điều hoàn toàn có thể.

Khi nói tất cả những điều trên đây có lẽ ông Hỷ không hề biết rằng với Kesley chuyện được khoác áo ĐTVN là một chuyện hết sức bình thường, chứ không phải là một nỗi khát khao như nhiều người lầm tưởng. Bằng chứng là khi trả lời báo chí, Kesley từng nói rất thẳng thắn rằng: “Hồi còn đá cho Bình Dương, tôi được nghe nói việc nhập tịch của mình có lợi cho đội bóng, và do đó tôi đã nhập tịch. Với tôi việc được khoác áo ĐTVN không phải là mục đích. Do đó được khoác áo ĐTVN thì tốt, mà không được thì cũng chẳng sao”.

Đến những vụ yêu thương thật - giả khôn lường

Trong số hơn chục cầu thủ đã nhập tịch Việt Nam, chỉ một mình Huỳnh Kesley là dũng cảm nói rõ mục đích của mình như trên. Tất cả các cầu thủ còn lại hoặc là “không nói gì” hoặc là luôn nói “Tôi yêu Việt Nam, và rất muốn khoác áo ĐTVN”.

Một trong những cầu thủ như vậy là Đinh Hoàng La - cầu thủ mà trước khi nhập tịch có cái tên gốc Ukraina là Mykola. 3 năm về trước, hình ảnh một Mykola ôm đàn ca hát rồi nói những câu chuyện tiếng Việt “rành rẽ như người Việt” là một hình ảnh mà bóng đá Ninh Bình rất mực tự hào. Đến khi Mykola chính thức nhập tịch Việt Nam, và sau đó khoác áo ĐTVN dưới trào HLV Calisto thì chẳng riêng gì Ninh Bình, mà người hâm mộ cả nước đều tin là từ đây ĐTQG đã có một vật báu trong khung gỗ. Thế nên khi những cầu thủ nhập tịch không được gọi vào ĐTQG thì Đinh Hoàng La chính là trường hợp khiến người ta tiếc nuối, ngậm ngùi nhiều nhất.

Phan Văn Santos

Mới đây thì Đinh Hoàng La với đội bóng chủ quan Ninh Bình đã có va chạm khi mà La vì tiếng gọi của đồng tiền mà phá hợp đồng ghi nhớ đã ký để cao chạy xa bay về phía Bình Dương. Quá uất ức vì bị một cầu thủ mà mình rất mực tin yêu “xỏ lỗ”, phía Ninh Bình đã cho công bố tất cả những chi tiết xung quanh bản hợp đồng đã ký giữa hai bên. Và đến lúc này người ta mới ngã người trước một sự thật: để trở thành một cầu thủ Việt Nam, gián tiếp giúp Ninh Bình có thể tung ra sân cùng lúc 4 cầu thủ gốc ngoại, Đinh Hoàng La đã được Ninh Bình “tiền trao, cháo múc” một khoản gọi là “phí hỗ trợ ký hợp đồng”. Theo rất nhiều tờ báo thì mức phí này là 50.000 USD, tuy nhiên theo tìm hiểu của chúng tôi thì con số thật không phải là 50.000 USD, mà cao gấp 4 lần như thế: 200.000 USD.

Đến đây không thể không đặt ra một câu hỏi: Vậy thì rốt cuộc, 3 năm về trước, Mykola chấp nhận nhập quốc tịch Việt Nam vì quả đúng là “yêu Việt Nam” như anh ta nói, hay vì cái khoản 200.000 USD đầy hấp dẫn kia?

Vẫn liên quan đến những bùng nhùng quanh câu chuyện về những cầu thủ nhập tịch từng khoác áo ĐTVN còn phải kể đến trường hợp Phan Văn Santos. Năm 2008, Santos từng bảo vệ khung gỗ ĐTVN tại cúp bóng đá TP HCM, và tại đó đã chơi bóng cẩu thả tới mức liên tiếp dâng 2 bàn thắng vào chân các tiền đạo Turkmenistan, khiến ĐTVN thua muối mặt. Sau giải đấu này, lấy lý do là “vợ sắp sinh con”, Santos đã đột nhiên bỏ ĐT, khiến HLV Calisto tức đến phát điên. Hồi ấy, mặc dù Santos được coi như một học trò ruột của Calisto nhờ quãng thời gian hai thầy trò cùng chung sống dưới mái nhà Đồng Tâm Long An, nhưng trước thói bỏ đội vô kỷ luật của Santos, Calisto đã tuyên bố thẳng thừng: “Một ngày có tôi ở ĐT là một ngày không có anh ta!”.

Nhưng ngay lúc ấy, đã có dư luận đặt nghi vấn rằng, Santos bỏ đội không hẳn vì vợ đẻ, cũng chẳng phải vì buồn chán sau những sai số chết người trong trận đấu với Turkmenistan, mà vì những chuyện tiền bạc không rõ ràng với CLB chủ quản. Theo những nghi vấn này thì phía ĐT.LA hứa sẽ thưởng một khoản tiền cho Santos nếu anh quyết định nhập tịch, nhưng sau khi đã nhập tịch, Santos lại không nhận được đầy đủ những khoản tiền được hứa, và đấy mới là lý do thực sự khiến anh tức tối rời đội tuyển. Nhưng vì cả ĐT.LA lẫn Santos hồi đó đều kín như bưng, nên những nghi vấn đến tận bây giờ vẫn chỉ dừng lại ở mức… nghi vấn. Tuy nhiên với phi vụ Đinh Hoàng La mà chúng tôi vừa kể ở trên thì chuyện các cầu thủ ngoại nhập tịch Việt Nam vì những món lợi vật chất, chứ không hẳn chỉ vì “yêu Việt Nam” là điều hoàn toàn có thật.

Sau khi nhập tịch, Đinh Hoàng La, Phan Văn Santos,và Lee Nguyễn đều được trả giá cao hơn

Phải đeo kính “chiếu yêu” vào mắt?

Quy chế bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam chỉ cho phép một đội bóng tung ra sân tối đa 3 cầu thủ ngoại. Đấy chính là lý do khiến các đội không ngừng “nội hóa ngoại binh” bằng con đường nhập tịch nhằm có thể tung ra sân nhiều cầu thủ gốc ngoại hơn so với đối phương. Cá biệt ở V.League năm vừa rồi, HN.ACB có lúc tung ra sân 5 cầu thủ gốc ngoại (trong đó có 2 người nhập tịch), còn The Visai Ninh Bình đưa ra sân tới 6 cầu thủ gốc ngoại (trong đó có 3 người nhập tịch). Trong một bối cảnh mà nhân tài bóng đá nội đang hiếm như lá mùa thu thì chính sách nhập tịch chính là một cách hữu hiệu để các CLB nâng cao chất lượng đội hình. Và cũng vì thế một cầu thủ ngoại sau khi nhập tịch đã không ngừng được các CLB chèo kéo, trả giá cao.

Đơn cử như Nguyễn Hoàng Helio trước khi nhập tịch chỉ nhận được khoản lót tay 30.000 USD từ phía Sông Lam Nghệ An nhưng ngay sau khi nhập tịch đã nhận được khoản lót tay 200.000 USD từ phía Bình Dương. Mới đây lại có thông tin rằng phong trào nhập tịch rồi vẫn sẽ “đâm chồi nảy lộc” trong thời gian tới. Và cứ với những sự “đâm chồi nảy lộc” như vậy, người hâm mộ có lẽ sẽ phải đeo “kính chiếu yêu” vào mắt để phân biệt xem đâu là “nhập tịch vì tình yêu” và đâu là “nhập tịch vì… tiền”.

Phong trào nhập tịch làm ngả nghiêng cả làng cầu ĐNA

Điều đáng nói là xu thế nội hóa các ngoại binh không chỉ diễn ra với bóng đá Việt Nam, mà còn đang ồ ạt diễn ra với các nền bóng đã khác trong khu vực như Indonesia hay Philippines. Ở những quốc gia này, cầu thủ nhập tịch thậm chí còn tràn ngập cả ĐTQG, và theo các chuyên gia bóng đá ĐNA, với một thực tiễn như vậy, ĐT Philippines từ chỗ chỉ là một đội bóng tí hon hoàn toàn có thể trở thành một ông kẹ của bóng đá khu vực. Tuy nhiên mới đây ở Indonesia và Philippines cũng đã xuất hiện những dư luận chỉ trích việc biến ĐTQG của những người “mũi tẹt da vàng” thành sân chơi của những “ông Tây mắt xanh da trắng”. Riêng với Malaysia - nền bóng đá đang sở hữu chức vô địch AFF Cup 2010 và chức vô địch SEA Games 2009 thì việc nhập tịch tuyệt nhiên không xuất hiện. Bóng đá Malaysia đã xác định đi lên bằng nội lực, và bước đầu đã gặt được những thành công nhất định từ nội lực của mình.