Nhập siêu từ Trung Quốc: Như chiếc kim đâm vào tim mỗi người

ANTĐ - Trong những ngày đầu năm 2014 này, rất nhiều người đã nói tới những nghịch lý trong quan hệ thương mại Việt-Trung. Đúng là đang có những nghịch lý, khi chúng ta đã có sự thâm hụt kỷ lục trong cán cân thương mại, chúng ta đã để cho hàng tiêu dùng chất lượng thấp, giá rẻ thâm nhập sâu vào nội địa… Đã có nhiều ý kiến với đề nghị chúng ta hạn chế buôn bán làm ăn với Trung Quốc. Đó là những quan điểm thiển cận. Vấn đề là phải làm gì? Làm gì để thắng trên thương trường.

Trung Quốc là một thị trường lớn và quan trọng

Trung Quốc là một thị trường tiềm năng quan trọng, đồng thời là cơ hội cho Việt Nam khai thác ở phương diện xuất khẩu hàng hóa thế mạnh, đồng thời chuyển giao công nghệ, kỹ thuật... Với  gần 1,5 tỷ dân, trình độ công nghệ hơn chúng ta một bậc, được coi là nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới, nhu cầu nội địa, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc có thể đánh giá là khổng lồ. Với lợi thế về địa lý, chúng ta có chung đường biên giới với họ, có một mạng lưới đường bộ và đường sắt thuận tiện, thêm nữa, nhiều tỉnh của họ, giáp với biên giới chúng ta, còn chậm phát triển so với mặt bằng chung của Trung Quốc, đang có nhu cầu rất lớn đối với nông sản, thực phẩm, là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của chúng ta. Lẽ ra chúng ta đã có thể khai thác tốt những lợi thế đó để có một quan hệ thương mại có lợi về kim ngạch, có lợi về trị giá gia tăng. Nhưng chúng ta đã không làm được.

Vấn đề nhập siêu

Nhập siêu từ Trung Quốc là đề tài được các nhà nghiên cứu và cả dư luận băn khoăn bàn luận rất nhiều. Trong khi thương mại với các nước khác năm 2013 hoặc cân bằng, hoặc xuất siêu, thì nhập siêu từ Trung Quốc lại lên tới mức cao chót vót: 23,7 tỷ USD. Nó như một chiếc kim đâm vào tim mỗi người khi nói tới quan hệ kinh tế với họ. 

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc của Việt Nam bắt đầu gia tăng từ năm 2000. Nguyên nhân chủ yếu là do các ngành hỗ trợ của Việt Nam chưa phát triển nên buộc phải nhập từ Trung Quốc máy móc thiết bị, phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn gia súc và nguyên liệu, hóa chất, chất dẻo, máy tính và hàng điện tử... Những yếu kém trong công tác điều hành nhiều năm qua cho thấy chưa có tầm nhìn dài hạn trong phát triển các ngành công nghiệp, dẫn đến chủ yếu phát triển các cơ sở lắp ráp, gia công sản phẩm xuất khẩu và vì vậy phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nguyên liệu, phụ tùng và các chi tiết phụ trợ từ nguồn nhập khẩu. Và khi đã phụ thuộc nhập khẩu, đương nhiên sẽ hướng sang Trung Quốc, vì ở đó có những mặt hàng này giá rẻ và tiện cho việc vận chuyển, nhập khẩu. Một lý do nữa, chúng ta quản lý thương mại tiểu ngạch rất kém, chưa chú trọng công tác đào tạo giáo dục thương nhân cả về nghiệp vụ lẫn trách nhiệm công dân, nhưng sớm mở cửa biên giới. Chính sự mở cửa này đã tạo ra sự xâm lấn rất đáng tiếc của hàng tiêu dùng giá rẻ trên thị trường nội địa. Điều đáng lo ngại là vấn đề hàng giả, hàng kém chất lượng nhập từ Trung Quốc vẫn tràn lan trên thị trường Việt, từ những quả cam, quả quýt bày sạp ngoài chợ cho tới những mặt hàng điện tử, điện lạnh trên kệ cao siêu thị.

Đau đớn nhất là giá trị gia tăng 

Về thị trường, hàng Việt đã có mặt trên gần 200 nước và vùng lãnh thổ. Và về cơ bản, với các thị trường khác, hàng hóa chúng ta xuất khẩu vẫn có lãi. Chỉ riêng với Trung Quốc, chúng ta gặp khó khăn. 

Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc không chỉ thua thiệt về trị giá mà ngay cơ cấu hàng xuất khẩu cũng không có sự cải thiện đáng kể. Trong khi hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc là sản phẩm hoàn thiện phục vụ tiêu dùng thì hàng hóa xuất khẩu của ta chủ yếu dưới dạng nguyên liệu thô nên giá trị kinh tế, sức cạnh tranh không cao. Một ví dụ có thể dẫn chứng ngay, Việt Nam xuất khẩu gỗ dăm, gỗ nguyên liệu nhưng lại nhập về các sản phẩm gỗ ép, giấy... là các sản phẩm sản xuất từ dăm gỗ. Tuy nhiên, dường như chúng ta đã có phần dễ dãi khi để Trung Quốc ung dung thực hiện những thủ đoạn để có giá trị thặng dư cao. Nhìn lại toàn bộ bức tranh thương mại Việt-Trung, không ít người giật mình khi Trung Quốc đa phần nằm “kèo trên” trong các quan hệ giao dịch thương mại. Sẽ không khỏi bất ngờ khi năm 2012, Việt Nam vẫn tiếp tục nhập khẩu điện từ Trung Quốc với số lượng lớn. Số liệu thống kê năm 2012 cho thấy, khai thác điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đạt 54,4 tỷ kWh, vượt kế hoạch 3,58 tỷ kWh.

Đáng chú ý nhất là xuất khẩu gạo với sản lượng tăng 13,1%, nhưng giá đã giảm xuống 7,1%. Nghịch lý diễn ra ở chỗ người dân Trung Quốc bán gạo cho Chính phủ nước này “cất vào kho” với giá cao, còn mua gạo Việt với giá rẻ hơn nhiều để sử dụng. Như vậy là gạo “chảy máu” sang Trung Quốc càng nhiều thì thặng dư từ hạt gạo mà người nông dân mất đi lại chảy vào túi người Trung Quốc càng lớn.

Những công việc phải làm

Trước hết về mặt quản lý cán cân thương mại, cần phải có những sức ép nhất định, yêu cầu phía Trung Quốc mở rộng thị trường nhập khẩu đối với chúng ta, hạn chế những chế độ trợ cấp hàng xuất khẩu sang Việt Nam. Chúng ta cần nghiêm túc, kỷ luật trong thương mại để nhập siêu được duy trì ở mức 6% hoặc thấp hơn nữa so với tổng kim ngạch xuất khẩu. Khuyến khích nhập khẩu công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ nguồn; hạn chế nhập khẩu các loại hàng hóa mà trong nước đã sản xuất được với chất lượng đảm bảo và giá cả cạnh tranh; hạn chế nhập khẩu hàng xa xỉ; đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp thay thế nhập khẩu. Đồng thời, Việt Nam cần tiếp tục áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu để bảo vệ sản xuất trong nước phù hợp với các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, các biện pháp tự vệ khẩn cấp, áp thuế chống bán phá giá, các tiêu chuẩn kỹ thuật, các biện pháp kiểm dịch động thực vật... ngăn chặn hàng hóa nhập lậu, tranh thủ mở cửa thị trường trong các FTA mới để đa dạng hóa thị trường nhập khẩu và nhập khẩu công nghệ nguồn. 

Đối với thị trường nội địa phải phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ nội địa đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 14%. Bảo đảm cân đối sản xuất đảm bảo cân đối cung cầu những mặt hàng trọng yếu của của nền kinh tế và tiến tới thỏa mãn nhu cầu ngày càng nhiều mặt hàng tiêu dùng cho nhân dân. Về ngoại thương, đẩy mạnh xuất khẩu, thay đổi cơ cấu nhập khẩu và thúc đẩy phát triển thị trường hàng hóa thông qua mở rộng sản xuất thay thế hàng nhập khẩu và chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ được coi là những giải pháp hữu hiệu. Hướng vào xuất khẩu các hàng hóa đem lại giá trị gia tăng cao như phần mềm, linh kiện điện, điện tử…

Đa dạng hóa thị trường, đặc biệt là các thị trường tiềm năng như châu Phi, Trung Đông để giảm bớt phụ thuộc và chia sẻ rủi ro, khắc phục được cán cân chênh lệch thương mại khá lớn giữa Việt Nam và Trung Quốc. Thêm nữa, hạn chế sự phụ thuộc và “chảy máu” nguồn lực thiết yếu mà điển hình là năng lượng và lương thực, sẽ là cách tự vệ hiệu quả của thương mại Việt Nam trước Trung Quốc nhiều toan tính.