Nhập nhèm hàng ngoại

ANTĐ - Thời gian gần đây những siêu thị mini chuyên bán hàng Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… mọc lên rất nhiều ở Hà Nội. Điều đáng nói, nhiều mặt hàng trong các siêu thị mini này không hề có tem hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt, vì vậy người mua khó mà biết được những hàng hóa được bày bán có đạt chất lượng hay không...

Thượng vàng hạ cám

Nghe một chị bạn trong cơ quan “mách”, chúng tôi đến một siêu thị mini nằm trên địa bàn quận Ba Đình. Theo như quảng cáo tất cả các mặt hàng ở đây đều “Made in Thailand” 100%. Siêu thị này có diện tích khoảng gần 40m2, tầng 1 bày các mặt hàng mỹ phẩm, dầu gội, sữa tắm, kem dưỡng da, các loại gia vị chế biến, tầng 2 bày các mặt hàng quần áo, giày dép, đồ gia dụng,…

Một nhân viên làm việc ở quầy thu ngân khẳng định: “Mặc dù siêu thị có bán một số sản phẩm xuất xứ từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức… nhưng là hàng ký gửi, còn phần lớn là hàng nhập khẩu có xuất xứ từ Thái Lan. Đây là địa chỉ hàng đầu tại Hà Nội chuyên bán hàng Thái Lan có chất lượng đảm bảo”. Chị Nguyễn Minh Ngọc, ở đường Đê La Thành, quận Ba Đình cho biết: “Từ khi biết có siêu thị chuyên bán đồ Thái Lan ngay gần nhà, tôi thường đến đây mua đồ dùng sinh hoạt. Hàng hoá ở siêu thị này đều in tiếng Thái và không có tem nhập khẩu bằng tiếng Việt. Thậm chí, có những mặt hàng tôi còn không biết đó là sản phẩm gì, gồm những thành phần nào nên chủ yếu tin vào người bán hàng là chính…”.

Kệ bày bán các sản phẩm gia dụng tại một siêu thị mini chuyên bán đồ Hàn Quốc

 Tại một siêu thị chuyên bán hàng Hàn Quốc ở quận Cầu Giấy, chúng tôi nhận thấy diện tích siêu thị chỉ khoảng 30m2, nhưng bày bán rất nhiều chủng loại hàng hóa. Siêu thị này có đủ mặt hàng từ nước giải khát, bia, bánh kẹo Hàn Quốc, gia vị chế biến, mỹ phẩm, quần áo, giày dép trẻ em,… Theo giới thiệu của người bán, hàng hoá trong siêu thị đều được nhập từ Hàn Quốc. Tuy nhiên, phần lớn các sản phẩm thực phẩm, chế biến sẵn chỉ ghi tiếng Hàn, không có tem ghi tiếng Việt và giá khá đắt. Chẳng hạn xúc xích Hàn Quốc loại nhỏ có giá 43.000 đồng/gói 5 thanh, trong khi hàng cùng loại sản xuất ở Việt Nam chỉ khoảng 20.000 đồng/gói, nước xốt đóng gói sẵn dùng để chế biến món ăn có giá từ 35.000- 40.000 đồng/ gói… Khi hỏi người bán hàng tại sao những sản phẩm bày bán không có tem ghi rõ xuất xứ, hướng dẫn sử dụng, bằng tiếng Việt thì nhận được câu trả lời: “Các sản phẩm ở đây là hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc 100%, do đa phần khách hàng của siêu thị là người Hàn Quốc hoặc có vợ, chồng là người Hàn Quốc, không mấy khi có khách hàng người Việt nên không cần thiết phải dán tem bằng tiếng Việt”.

Nhiều sản phẩm không có hướng dẫn sử dụng, nhãn mác loại hàng hóa

Vi phạm về nhãn mác

Phần lớn tại các siêu thị mini bán hàng ngoại nhập mà chúng tôi khảo sát, khi hỏi về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm thì các nhân viên đều khẳng định: “hàng tốt, chất lượng đảm bảo”, “hàng nhập ngoại”... Tuy nhiên, rất nhiều mặt hàng trong các siêu thị ngoại không có tem hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt. Vì vậy người mua khó lòng biết tên, địa chỉ doanh nghiệp sản xuất, hàng hóa được bày bán có phải hàng giả, hàng nhái và xuất xứ đúng như quảng cáo hay không. Chị Lê Thanh Thuỷ - chủ một siêu thị mini trên phố Hàng Bạc cho rằng, khách đến mua hàng tại siêu thị chủ yếu là người Việt, còn người nước ngoài thường chọn các mặt hàng sản xuất ở Việt Nam có giá rẻ và chất lượng lại không thua kém hàng ngoại nhập.

Những mặt hàng thực phẩm khi nhập về Việt Nam giá đắt gấp rưỡi so với giá ở chính quốc, trong khi hạn sử dụng chỉ được một thời gian ngắn nên người tiêu dùng khó mà biết mặt hàng đó có đảm bảo chất lượng hay không”. Theo ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, hiện có không ít các siêu thị mini chuyên kinh doanh hàng ngoại không gia nhập hiệp hội, do vậy việc rà soát, chấn chỉnh hệ thống cửa hàng này là điều cần thiết, có như vậy mới bảo đảm được quyền lợi người tiêu dùng.

Về vấn đề này, ông Hoàng Đại Nghĩa - Đội trưởng Đội QLTT số 14 - Chi cục QLTT Hà Nội cho biết: “Theo quy định về nhãn mác, những loại hàng hoá nhập khẩu được bày bán trên thị trường bắt buộc phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt, ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, tên mặt hàng, tên nhà nhập khẩu, nhà phân phối và trên mỗi sản phẩm phải ghi cách bảo quản, hạn sử dụng để người tiêu dùng dễ dàng nhận biết thông tin về sản phẩm. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc. Mặc dù, cơ quan chức năng đã có khuyến cáo người Việt dùng hàng Việt, nhưng xem ra xu hướng sính ngoại vẫn tồn tại trong một bộ phận không nhỏ người dân. Bên cạnh đó, thói quen mua hàng tại những siêu thị nhỏ lẻ theo kiểu hàng xách tay, hàng ngoại nhập vẫn được người dân ưa dùng nên những cửa hàng này vẫn có “đất” để tồn tại.

Trong Nghị định số 89/2006/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hoá đã quy định rất rõ về nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất của hàng hoá cũng như những quy định xử lý vi phạm về nhãn hàng hoá. Theo đó tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật về nhãn hàng hoá tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Các doanh nghiệp có quyền mở siêu thị bán hàng ngoại nhập theo các quy định pháp luật. Tuy nhiên, hàng hóa được nhập về phải đảm bảo có hóa đơn, nguồn gốc xuất xứ, có phần tiếng Việt nêu rõ đặc điểm hàng hóa, thời hạn sử dụng... để đảm bảo khách hàng có lựa chọn đúng.