Nhập nhằng hàng “thanh lý”

ANTĐ - Cứ vào thời điểm cuối năm, trên các tuyến phố, những tấm biển “hàng thanh lý” mọc lên như nấm. Ngoài số ít những địa chỉ bán hàng thanh lý “xịn” còn không ít cửa hàng bán các mặt hàng rẻ tiền, kém chất lượng để lừa khách.

Hàng “thanh lý” được bày bán khắp nơi

Mảnh đất màu mỡ dịp cuối năm 

Thông thường, các mặt hàng được bán thanh lý gồm quần áo, giày dép, thắt lưng, túi xách, chăn ga, mỹ phẩm… và cả đồ gia dụng (bàn, ghế, tủ…). Có thể nói trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay, cụm từ “hàng thanh lý” thu hút được sự quan tâm của nhiều người dân. Tại một cửa hàng treo biển “hàng thanh lý ” trên phố Chùa Bộc, quận Đống Đa vào giờ nghỉ trưa, chúng tôi gặp khá nhiều chị em đang tìm mua quần áo, giày dép. Chị Hà Vân Thu – nhân viên văn phòng ở khu vực lân cận cho biết, do hàng mới chất lượng tốt thường có giá khá cao nên chị chọn mua hàng thanh lý. Tuy kiểu dáng, mẫu mã của các mặt hàng này không mới song chất lượng tương đối ổn và điều quan trọng là chúng có giá chỉ bằng 1/3 -1/2 so với hàng mới. Hầu hết các sản phẩm trong cửa hàng này đều có đường may bị lỗi, được làm từ chất liệu rẻ tiền nên rất có thể chúng không phải là hành công ty thanh lý. Điều đáng nói là chúng lại được gắn mác hàng xuất khẩu nên người tiêu dùng nếu không xem xét kỹ rất dễ bị lầm tưởng” – chị Thu chia sẻ.

Tại một số điểm bán “hàng thanh lý” trên đường Nguyễn Trãi, đường Lê Văn Lương kéo dài… hầu hết các sản phẩm đều không có xuất xứ rõ ràng, chủ yếu là hàng Trung Quốc hoặc hàng gia công. Trước khi bày bán, các mặt hàng này sẽ được gắn mác của những nhà sản xuất có uy tín trong nước và nước ngoài. Cụ thể như với sản phẩm giày dép, nếu theo “giá nhập”, trung bình mỗi đôi giày thường có giá từ 50.000-70.000 đồng, song khi bày bán tại các cửa hàng “thanh lý”, nó được nâng lên thành 150.000-200.000 đồng. Như vậy, trung bình mỗi ngày, chỉ cần bán được từ 10-20 đôi giày, chủ cửa hàng đã có trong tay tiền triệu. Đây cũng chính là lý do khiến các điểm bán “hàng thanh lý” mọc lên như nấm trên các tuyến đường, đặc biệt là trong thời điểm năm hết Tết đến, khi nhu cầu mua sắm của người dân ngày càng tăng.

Chị Lê Thị Lương (ở huyện Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, để tiết kiệm chi phí chị thường xuyên mua hàng thanh lý, từ quần áo, bỉm… cho con đến các đồ dùng trong nhà. “Cách đây 2 tuần, nghe tin một cửa hàng trên phố Đê La Thành bán thanh lý tủ nhựa dành cho trẻ em, tôi vội đến xem thì được chủ cửa hàng giới thiệu, chiếc tủ đó giảm giá 30% theo chương trình thanh lý hàng cuối năm của công ty, chỉ còn 600.000 đồng. Tuy vậy, ngay ngày hôm sau, tôi vô cùng thất vọng khi biết một người bạn mua chiếc tủ giống hệt chỉ với giá là 500.000 đồng” - chị Lương phàn nàn. 

May nhờ, rủi chịu?

Một trong những cách nữa để tiêu thụ hàng kém chất lượng mà các đối tượng thường sử dụng là bán “hàng thanh lý đồng giá”. Bà Đào Thị Mùi - chủ một cửa hàng “đồng giá” trên đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy tiết lộ, trong thời điểm kinh tế khó khăn hiện nay, những cụm từ “giảm giá”, “khuyến mại”, “thanh lý”… đã quá quen thuộc, nhàm chán với khách hàng. Do vậy, nếu đưa ra các mức giá cụ thể như 50.000 đồng, 70.000 đồng, 90.000 đồng… lượng khách hàng đến với cửa hàng sẽ đông hơn hẳn, đặc biệt là với những khách hàng là nam giới, ngại trả giá. Tuy vậy, hầu hết các sản phẩm bán theo kiểu “một giá” đều là hàng kém chất lượng với số lượng khá hạn chế. Bên cạnh đó, khi quyết định mua những mặt hàng này, khách hàng tuyệt đối không được đổi hay trả lại.

Theo luật sư Lê Hồng Vân, Đoàn Luật sư Hà Nội, trước hết cần khẳng định việc các cơ sở kinh doanh treo biển “hàng thanh lý” nhưng thực chất là bán hàng nhái, hàng kém chất lượng là hành vi lừa đảo người tiêu dùng. Tuy vậy, chính sự thiếu thận trọng, “hoa mắt vì ham rẻ” của người tiêu dùng cũng đã vô tình tiếp tay cho hành vi này. Do vậy, để tránh “tiền mất, tật mang”, trước khi quyết định mua “hàng thanh lý” hay các mặt hàng giảm giá thấp một cách bất ngờ, người tiêu dùng cần thận trọng xem xét về xuất xứ, chất lượng của sản phẩm, đặc biệt là những mặt hàng có giá trị cao như bàn, ghế, giường, tủ.