Nhập khẩu thức ăn chăn nuôi: Doanh nghiệp dọa kiện vì bị gây khó dễ

ANTĐ - Mặc dù Bộ NN&PTNT đã nhiều lần chỉ đạo phải tháo gỡ khó khăn, tạo thông thoáng về thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp nhập khẩu thức ăn chăn nuôi. Song, nhiều doanh nghiệp vẫn “tố” các cơ quan liên quan của Bộ NN&PTNT cố tình “ngâm” hồ sơ, gây khó dễ và cho biết sẽ khởi kiện nếu tình trạng này không được cải thiện.
Nhập khẩu thức ăn chăn nuôi: Doanh nghiệp dọa kiện vì bị gây khó dễ ảnh 1

Doanh nghiệp kêu trời vì thủ tục nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi

Sẽ khởi kiện nếu cố tình chậm trễ

Bà Trần Thu Thủy - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Dinh dưỡng Việt Nam, một doanh nghiệp chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) phản ánh, thủ tục để nhập hàng về liên quan đến 3 đơn vị của Bộ NN&PTNT  là Cục Bảo vệ thực vật, Cục Thú y và Cục Chăn nuôi, nhưng đang “tắc” nhất ở Cục Chăn nuôi.

Nghịch lý là thời gian nhập khẩu hàng, vận chuyển từ Thái Lan về Việt Nam chỉ mất 3-4 ngày, nhưng thời gian chờ thủ tục ở Cục Chăn nuôi phải mất 4-5 ngày. Theo tính toán của các doanh nghiệp, hiện 1 container 40 feet có mức phí lưu container khoảng 30USD/ngày, thêm phí lưu kho bãi từ 30-45 USD/ngày/container. Mỗi lô hàng nhập khẩu của doanh nghiệp từ 10-30 container. Do đó, hàng chậm 1 ngày thì chi phí lưu container, lưu kho bãi tại cảng đội lên rất nhiều.

“Chúng tôi đến Cục Chăn nuôi nộp hồ sơ vào thứ hai, giấy hẹn thứ năm sẽ có kết quả. Nhưng doanh nghiệp chờ hết thứ sáu vẫn chưa có kết quả. Liên hệ tới thì cán bộ của Cục trả lời nhẹ bẫng, “lãnh đạo đi vắng, chưa có người ký nên chưa hoàn thành hồ sơ nhập khẩu được”. Chúng tôi làm thủ tục nhập khẩu phải mất chi phí mà vẫn bị gây khó dễ”, bà Trần Thu Thủy bức xúc.  

“Vì quá sốt ruột, tôi đã phản ánh với Cục Chăn nuôi, nếu cứ tiếp diễn tình trạng “ngâm” hồ sơ, thất hẹn như hiện nay, chúng tôi sẽ khởi kiện Cục Chăn nuôi, yêu cầu bồi thường chi phí lưu  container, chi phí kho bãi. Không thể cứ nói “thông cảm” mãi như vậy được”, bà Trần Thu Thủy cho hay.  

Để nhanh chóng nhận được hồ sơ nhập khẩu từ phía Cục Chăn nuôi, nhiều doanh nghiệp sản xuất, cung cấp TACN ở Hà Nội thông tin, phải cử riêng một nhân viên chuyên làm nhiệm vụ “chạy” giấy tờ. Những doanh nghiệp ở các tỉnh khác thì thời gian chờ đợi thủ tục từ Cục Chăn nuôi phải mất cả chục ngày.

Bà Võ Thị Thanh Hà, đại diện Công ty sản xuất, xuất nhập khẩu nông sản Hà Nội chia sẻ, khi hàng hóa nhập về qua cảng Hải Phòng, Công ty luôn phải cử một nhân viên xuống Hải Phòng nộp hồ sơ đăng ký kiểm dịch. Mỗi khi hồ sơ có sai sót, nhân viên này phải đi lại khá nhiều lần mới hoàn thành. Theo bà Võ Thị Thanh Hà, nếu được kê khai hồ sơ qua mạng như hải quan thì sẽ giảm được rất nhiều thủ tục, chi phí cho doanh nghiệp.

Gọi cho lãnh đạo Cục nếu bị “hành”

Mỗi năm, Việt Nam phải nhập khẩu một lượng lớn TACN và nguyên liệu chế biến TACN. Theo số liệu từ Hiệp hội TACN Việt Nam, số lượng nhập khẩu 2 mặt hàng này năm 2014 lên tới 10,5 triệu tấn với giá trị 4,8 tỷ USD. Thủ tục kiểm dịch để thông quan hàng hóa có liên quan tới 3 đơn vị của Bộ NN&PTNT. Nếu không sớm giải quyết những vướng mắc về thủ tục, hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn. 

Trước phản ánh của doanh nghiệp, ông Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho rằng, Cục luôn tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp nhập khẩu và không có việc cán bộ gây khó khăn cho doanh nghiệp. “Chúng tôi cam đoan 100% doanh nghiệp đều được tạo điều kiện tối đa. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng phải hợp tác tốt với cơ quan quản lý Nhà nước”.

Trước thông tin một số doanh nghiệp cho rằng, cán bộ kiểm dịch tại cảng Hải Phòng “hành” doanh nghiệp, cố tình ngâm hồ sơ lâu vì thiếu cán bộ kiểm dịch, ông Hoàng Trung khẳng định, điều này là không chính xác.

“Hiện tổng số cán bộ kiểm dịch có hơn 600 người, trong đó riêng tại 9 vùng kiểm dịch là 300 người, khi cần có thể điều động nên không có lý do gì mà lại không có đủ cán bộ đi kiểm dịch. Nếu doanh nghiệp nào thấy có tình trạng như vậy, hãy gọi cho lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật, chúng tôi sẽ xử lý ngay”, lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật nói.