Nhập khẩu mất cân đối

ANTĐ - Báo cáo tình hình xuất nhập khẩu 2 tháng đầu năm 2013 của Bộ Công Thương cho thấy, còn nhiều mặt hàng xa xỉ, hàng trong nước đã sản xuất được vẫn nhập khẩu vào Việt Nam trong thời gian qua, trong khi hàng cần nhập khẩu lại giảm sút. 

Những mặt hàng nhập khẩu xa xỉ như ô tô đang ảnh hưởng tiêu cực đến cán cân xuất nhập khẩu Việt Nam

Nhập điện thoại “ầm ầm”

Hai tháng đầu năm nay, nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu đạt kim ngạch 1,02 tỷ USD, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng mặt hàng điện thoại di động đã tăng tới 27,4% so với cùng kỳ năm 2012. Theo Bộ Công Thương, mức tăng 27,9% kim ngạch nhập khẩu hàng tiêu dùng cần hạn chế nhập khẩu là hơi cao so với mức tăng 9,9% kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần nhập khẩu. Nhưng một chuyên gia kinh tế cho rằng, những con số trên đã “đẹp” hơn nhờ vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Tỵ, lượng nhập khẩu và xuất khẩu đã giảm khá nhiều. 

Dường như, các biện pháp hạn chế nhập khẩu hàng xa xỉ chưa phát huy tác dụng. Bằng chứng là xu hướng nhập khẩu này vẫn được tiếp tục từ năm ngoái. Không chỉ nhập khẩu điện thoại nguyên chiếc để dùng mà số lượng lớn mặt hàng này được nhập về còn phục vụ gia công, xuất khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Mặc dù khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục là nhân tố chính giúp cán cân thương mại thặng dư, khi 2 tháng đầu năm nay khối này xuất siêu tới 2,97 tỷ USD nhưng lợi ích mang về cho Việt Nam lại không nhiều.

Ở nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu, kim ngạch một số mặt hàng cũng tăng mạnh và thể hiện sự mất cân đối. Hai tháng đầu năm 2013, trong khi kim ngạch của hầu hết các mặt hàng khác trong nhóm đều giảm mạnh thì nhập khẩu mặt hàng đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 50%; mặt hàng rau quả tăng 11,2%. Đây là mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu hoặc trong nước đã sản xuất được nên việc nhập khẩu này hoàn toàn có thể được kiểm soát. 

Trái ngược với việc tăng kim ngạch của nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu và cần kiểm soát nhập khẩu, nhóm hàng tiêu dùng cần nhập khẩu lại giảm mạnh. Riêng tháng 2-2013, do trúng vào dịp Tết nên kim ngạch nhập khẩu tháng 2 ước khoảng 5,64 tỷ USD, giảm 39,9% so với tháng trước và giảm 25,7% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Xuất siêu có thể đảo chiều

Bộ Công Thương cho biết, mặc dù xuất nhập khẩu vẫn còn những diễn biến khó lường nhưng tháng 2-2013, Việt Nam đã xuất siêu khoảng 900 triệu USD, bằng 12% kim ngạch xuất khẩu. Xuất siêu 2 tháng đầu năm khoảng 1,68 tỷ USD, bằng 8,83% kim ngạch xuất khẩu. Đánh giá về thực trạng này, ông Phạm Tất Thắng - nghiên cứu cao cấp của Bộ Công Thương cho rằng, nhiều mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu cao đóng góp vào cán cân thương mại cho nền kinh tế là rất tốt. Mặt khác, xuất siêu giúp cho Việt Nam có điều kiện dự trữ ngoại tệ, giảm bớt sự căng thẳng về ngoại tệ. Thế nhưng thành tích xuất siêu của Việt Nam có thể “đảo chiều” bất cứ lúc nào do nền kinh tế nước ta chưa có sự thay đổi nào về công nghệ, thị trường. Minh chứng cho điều này là, thị trường xuất khẩu của Việt Nam vẫn chủ yếu là EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ, còn thị trường nhập khẩu trọng yếu vẫn là Trung Quốc - thể hiện sự phụ thuộc của nền kinh tế.