Nhân viên tình báo Paris biến thành phần tử khủng bố như thế nào?

ANTD.VN - Mùa hè này, trong khi các nhân viên tình báo của Cảnh sát ở Paris theo dõi những kẻ cực đoan Hồi giáo thì một trong những đồng nghiệp lâu năm của họ lại lặng lẽ đón nhận một phiên bản đức tin Hồi giáo cực đoan hơn.

Theo các công tố viên, Mickaël Harpon, chuyển sang đạo Hồi lúc 45 tuổi, đã quan hệ với những người theo đạo Salafism, một dòng Hồi giáo nguyên thủy. Trong giờ nghỉ trưa hôm 3-10, Harpon đã mua 2 con dao, quay lại văn phòng và đâm chết 4 đồng nghiệp. Anh ta làm bị thương người thứ 5 thì bị một cảnh sát bắn chết.

Harpon theo dòng Hồi giáo đó nhưng đã không bị phát hiện mặc dù ông làm việc trong bộ phận tình báo của Cảnh sát Paris, một đơn vị tinh nhuệ có nhiệm vụ theo dõi những kẻ cực đoan Hồi giáo trên khắp Thủ đô của Pháp.

Nhân viên tình báo Paris biến thành phần tử khủng bố như thế nào? ảnh 1Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự lễ tang của 4 cảnh sát Paris bị đồng nghiệp theo Hồi giáo cực đoan sát hại

Chuyên gia công nghệ thông tin 

Là một trong những chuyên gia công nghệ thông tin của đơn vị, Harpon ngồi tại bàn làm việc chỉ cách bộ phận chỉ huy vài bước chân. Anh ta có quyền truy cập vào hệ thống máy tính có chứa thông tin chi tiết về các hoạt động của cảnh sát chìm tại các nhà thờ Hồi giáo trên khắp Paris.

Vụ tấn công đã làm nước Pháp và bộ máy chống khủng bố choáng váng, gây mất niềm tin vào các đơn vị an ninh chuyên phát hiện những kẻ cực đoan. Các nhà điều tra đang kiểm tra xem Harpon có tìm hiểu hay tiết lộ danh tính các cảnh sát chìm hay không.

Nhà chức trách đã phát hiện một số ổ đĩa dữ liệu chứa thông tin cá nhân của 160 đặc vụ và thông tin tuyên truyền về Hồi giáo bạo lực. Một câu hỏi quan trọng được đặt ra là liệu Harpon đã tải dữ liệu đó xuống ổ đĩa cho công việc của mình với tư cách là trợ lý công nghệ thông tin, chuyên giám sát tuyên truyền trực tuyến về Hồi giáo hay lại gửi nó cho các phần tử cực đoan.

Điều tra cho thấy, Harpon là một nhân viên có năng lực, ngày càng khắt khe hơn trong vấn đề đức tin và cho rằng khiếm khuyết về mặt cơ thể ngăn trở sự nghiệp của ông ta. Sinh ra ở đảo Martinique thuộc vùng Caribbean của Pháp, Harpon bị viêm màng não khi còn nhỏ, dẫn đến hỏng thính giác và phải đeo máy trợ thính. Ông ta được tuyển vào bộ phận tình báo của cảnh sát Paris vào năm 2003. Trong con mắt đồng nghiệp, ông ta là người tận tâm, hiệu quả và luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người.

Sơ sót trong quản lý hồ sơ lý lịch

Harpon chuyển đổi sang đạo Hồi vài năm sau khi gia nhập cảnh sát, vào khoảng thời gian ông ta sống với người bạn đời của mình, một phụ nữ Hồi giáo đến từ Madagascar. Năm 2008, người phụ nữ này đã đệ đơn khiếu nại ông ta vì tội hành hung. Mặc dù sau đó người này rút đơn, Harpon bị phạt hành chính vì lời cáo buộc. 6 năm sau, Harpon kết hôn, một việc mà đáng lẽ nhà chức trách phải kiểm tra lại lý lịch, Bộ trưởng Nội vụ Pháp, ông Oliverhe Castaner nói. “Nhưng không có cuộc kiểm tra này. Liệu điều đó có giúp thay đổi gì hơn chăng? Tôi không biết, nhưng sơ sót nằm ở đó”.

Năm 2015, bộ phận của Harpon đã bị kiểm tra sau khi các chiến binh Hồi giáo xông vào văn phòng của tạp chí châm biếm Charlie Hebdo và một siêu thị khiến 17 người chết trên khắp khu vực Paris. Đơn vị này đã theo dõi một trong những chiến binh vài tháng trước khi xảy ra các vụ tấn công nhưng dừng lại khi đối tượng rời khỏi Paris. 

Nhiều tháng sau vụ tấn công, một trong những đồng nghiệp của Harpon, thuộc bộ phận tình báo đã nghe ông ta nói về các nạn nhân tại Charlie Hebdo: Điều đó đáng với họ. Nhân viên tình báo báo cáo việc này lên cấp trên nhưng không thấy ghi trong hồ sơ nhân sự cũng như đơn vị không kiểm tra lý lịch ông ta. Đợt kiểm tra lý lịch của Hapron dự kiến diễn ra năm 2020.

Trong những năm gần đây, Harpon cứ 5h sáng lại đến cầu nguyện tại một nhà thờ Hồi giáo gần nhà ở Gonesse, ngoại ô phía Bắc Paris. Gonesse là khu vực sinh sống chủ yếu của tầng lớp lao động và nằm ngoài phạm vi quản lý của cảnh sát và bộ phận tình báo Paris.

Harpon chưa bao giờ có biểu hiện cực đoan, nhưng theo một người bạn, gần đây ông ta bày tỏ thất vọng về công việc của mình. “Ông ấy cảm thấy mọi người không thực sự nghiêm túc chỉ vì ông là người khuyết tật”, ông Abdazaziz nói.

Đêm trước vụ tấn công, hàng xóm nghe thấy ông ta cầu nguyện rất to. Sáng hôm sau, Harpon và vợ trao đổi 33 tin nhắn với nhau. Tin nhắn cuối cùng là “Allahu akbar”, nghĩa là “Chúa vĩ đại” trong tiếng Ảrập. Vợ ông ta nói với các nhà điều tra rằng cứ nghĩ chồng mình muốn tự sát, chứ không phải là sát hại đồng nghiệp như vậy.