Nhân viên LHQ mang dịch tả từ Nepal sang Haiti: Sự thật cay đắng và khoản bồi thường khổng lồ

ANTD.VN - Liên hợp quốc vừa lần đầu tiên lên tiếng thừa nhận tổ chức này liên quan đến việc bùng phát dịch tả tại Haiti, đồng thời cho biết cần nỗ lực nhiều hơn nữa để chấm dứt cuộc khủng hoảng ảnh hưởng đến hơn 800.000 người tại quốc gia Mỹ Latin này.

Nỗi thống khổ của những gia đình có người bị mắc bệnh tả ở Haiti

Thừa nhận sau nhiều năm chối bỏ

Việc thừa nhận này được đăng tải đầu tiên trên tờ New York Times của Mỹ, theo đó, Văn phòng Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã thừa nhận rằng Liên hợp quốc cũng là một nguyên nhân khiến dịch bệnh này bùng phát tại Haiti. Ông Farhan Haq, Phó phát ngôn viên của Tổng Thư ký LHQ, cho biết, trong 2 tháng tới, LHQ sẽ công khai những biện pháp xử lý cuộc khủng hoảng này sau khi đã đạt sự nhất trí với giới chức Haiti và thảo luận với các quốc gia thành viên.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi cố vấn lâu năm của LHQ, ông Philip Alston, Giáo sư luật tại Đại học New York, ngày 8-8 gửi báo cáo mật tới Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, với nội dung rằng đại dịch “đáng lẽ đã không xảy ra nếu không do các hành động của LHQ”. 

Việc thừa nhận này là một sự thay đổi đáng chú ý của LHQ sau nhiều năm tổ chức này phủ nhận bất kỳ sự liên quan nào. Ngay sau khi LHQ lên tiếng thừa nhận, luật sư của các nạn nhân đã hoan nghênh. “Đây là một chiến thắng lớn cho hàng nghìn người Haiti trong hành trình đi tìm công lý”, Mario Joseph, một luật sư nhân quyền người Haiti đại diện cho các bệnh nhân dịch tả cho biết. 

Trước đó, những nghi ngờ về nguyên nhân gây bùng phát dịch tả tại Haiti đã được tập trung vào các nhân viên gìn giữ hòa bình của LHQ khi họ bị cho là đã mang dịch tả từ Nepal đến Haiti khi tham gia công tác cứu trợ sau trận động đất tàn phá Thủ đô Port-au-Prince hồi năm 2010.

Các nạn nhân đầu tiên được ghi nhận sống bên bờ sông Meille, gần khu Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ đóng quân.  Chính từ đây, các chất thải đã bị rò rỉ ra sông và tạo nên ổ dịch đầu tiên ở Haiti. Mặc dù nhiều nhà khoa học đã kết luận rằng đây là nguyên nhân gây ra dịch tả nhưng LHQ khi đó liên tục nhấn mạnh rằng kết luận này không đáng tin cậy.

Có thể bồi thường thiệt hại tới 40 tỷ USD

Là quốc gia nghèo nhất tại Tây bán cầu, chỉ 24% người dân Haiti được tiếp cận với nhà vệ sinh. Nước thải hiếm khi được xử lý và nhiều người vẫn chưa được sử dụng nước sạch. Theo thống kê của Chính phủ Haiti, dịch bệnh này đã khiến hơn 800.000 người mắc bệnh, chiếm khoảng 7% dân số Haiti và cướp đi sinh mạng khoảng 10.000 người. Các bệnh nhân bị mất nước do tiêu chảy nặng hoặc nôn mửa. 

Trong báo cáo của mình, Giáo sư Alston cho rằng LHQ đã “áp dụng tiêu chuẩn kép” khi liên tục phủ nhận và từ chối bồi thường cho các nạn nhân. “LHQ luôn khẳng định tôn trọng nhân quyền của các quốc gia thành viên nhưng lại từ chối trách nhiệm của chính mình.

Điều này làm suy giảm tín nhiệm của LHQ cũng như của Văn phòng Tổng Thư ký”, Giáo sư Alston viết. Ông cũng chỉ trích chương trình xóa tả của LHQ, cho rằng chương trình này đã thất bại. Theo đó, tỷ lệ lây nhiễm đã tăng lên kể từ năm 2014 dù tổ chức này đã chi 2,27 tỷ USD để loại trừ bệnh. Haiti không có dự án nước sạch hoặc vệ sinh trên diện rộng được hoàn thành. Hai nhà máy xử lý nước thải được xây dựng nhưng sau đó bị đóng cửa do thiếu ngân quỹ. 

Trong một báo cáo nội bộ được công bố cách đây vài ngày, kiểm toán viên của LHQ cho biết, 1/4 các cơ sở của Lực lượng gìn giữ hòa bình đóng quân ở Haiti vẫn xả thải vào các nguồn nước công cộng vào cuối năm 2014, tức 4 năm sau khi dịch tả bùng phát.

“Các nạn nhân vẫn sống trong sợ hãi vì căn bệnh này vẫn còn đó”,  Luật sư Mario Joseph nói. Ước tính, nếu LHQ giải quyết yêu cầu bồi thường của gia đình 10.000 người thiệt mạng và 800.000 người bị ảnh hưởng, tổ chức này sẽ phải chi tới 40 tỷ USD. Đó là chưa bao gồm những người sẽ bị chết hoặc nhiễm bệnh trong những năm tới.