Nhận về hay bỏ lại các gia đình IS ở Syria - bài toán khó cho châu Âu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhiều quốc gia châu Âu đã phản đối việc nhận lại các gia đình từng là thành viên nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), một số nước thì đang chú ý đến lời khuyên của các chuyên gia an ninh và các nhóm nhân quyền, rằng hồi hương cho họ là lựa chọn an toàn nhất, vì để vợ hay con cái các chiến binh này lại Syria sẽ tạo ra rủi ro lớn hơn.
Trẻ em không có tội nhưng chúng đang bị kẹt trong các trại giam giữ ở Syria và chịu cảnh suy dinh dưỡng, bệnh tật

Trẻ em không có tội nhưng chúng đang bị kẹt trong các trại giam giữ ở Syria và chịu cảnh suy dinh dưỡng, bệnh tật

Sự do dự trong chính sách hồi hương

Theo số liệu của Thomas Renard, một nhà nghiên cứu tại Viện Egmont (tổ chức tư vấn có trụ sở tại Brussels, Bỉ), 2 năm sau khi IS bị mất đi lãnh thổ cuối cùng ở Syria đã có hơn 200 phụ nữ từ 11 quốc gia châu Âu và 650 con cái của họ đang sống trong 2 trại Al Hol và Roj của Syria. Mặc dù công dân châu Âu chỉ chiếm một phần nhỏ trong số 60.000 người đang bị giam giữ ở các trại ở Syria, nhưng các chính phủ châu Âu đang phải đối mặt với áp lực gia tăng trong việc đưa những người này ra xét xử bởi vướng nhiều cam kết về nhân quyền.

Ông Chris Harnisch, một cựu quan chức chống khủng bố của Bộ Ngoại giao Mỹ, từng tham gia hồi hương các công dân Mỹ vào năm 2019 và 2020 cho biết: “Châu Âu từ lâu đã chỉ trích Mỹ vì vịnh Guantánamo, nhưng hiện giờ họ có cả một Guantánamo trên sa mạc”. Các quốc gia như Mỹ, Kazakhstan và Thổ Nhĩ Kỳ đã cho hồi hương nhiều công dân của mình để truy tố vì đã tham gia IS. Trong một số trường hợp, các nước này đã giúp họ tái hòa nhập xã hội. Nhưng hầu hết các quốc gia châu Âu nói rằng, họ không có nghĩa vụ pháp lý để giúp đỡ công dân của họ trong các trại và những người trưởng thành tham gia IS nên bị truy tố ở Iraq và Syria.

Anh đã tước quyền công dân của gần 20 phụ nữ nước này vì gia nhập IS, một số trường hợp bị đưa ra truy tố để ngăn đường về của họ. Hà Lan và Thụy Điển nói rằng, họ có thể nhận trẻ em, nhưng không nhận mẹ của chúng. Sự do dự về chính sách hồi hương này có lẽ rõ nhất là nước Pháp, quốc gia có số công dân lớn nhất châu Âu trong các trại và nhà tù ở Iraq và Syria. Khi nước Pháp quay cuồng sau nhiều năm tấn công khủng bố, chính phủ đã phản đối lời kêu gọi cho phép nhận lại những công dân Pháp đã rời bỏ đất nước để đi thánh chiến.

Theo ông Jean-Charles Brisard, Giám đốc Trung tâm Phân tích chủ nghĩa khủng bố có trụ sở tại Paris, mặc dù Pháp đã thu nhận 35 trẻ em từ các trại, nhưng vẫn còn 100 phụ nữ mang quốc tịch Pháp và 200 con của họ hầu hết vẫn ở trong trại Roj. Pháp từng dự kiến hồi hương ít nhất 160 người thuộc diện này vào đầu năm 2019. Tuy nhiên, tình báo Pháp cho biết, tình hình trong các trại trở nên quá biến động và kế hoạch này đã bị bỏ dở. “Chúng tôi nghĩ rằng điều đó sẽ xảy ra và quân cờ domino có thể đã lan sang với các nước châu Âu khác. Nhưng chính phủ Pháp đã rút chốt vào giờ chót” - ông Harnisch, cựu quan chức chống khủng bố của Hoa Kỳ cho hay.

Hơn 200 phụ nữ từ châu Âu và 650 con của họ hiện đang sống ở các trại của Syria

Hơn 200 phụ nữ từ châu Âu và 650 con của họ hiện đang sống ở các trại của Syria

Nguy cơ rủi ro lớn hơn nếu bỏ mặc

Các chuyên gia an ninh, các nhóm nhân quyền và luật sư của những người đã đến các vùng lãnh thổ của IS thừa nhận rằng, các chính phủ châu Âu phải đối mặt với những lo ngại chính đáng về an ninh, nhất là nguy cơ tấn công khủng bố. Nhưng ngày càng nhiều quan chức chính phủ và tình báo nói rằng, việc để công dân châu Âu ở lại Syria luôn đi kèm với những rủi ro lớn hơn.

“Một người trở về luôn tiềm ẩn rủi ro. Họ có khả năng cực đoan hóa các tù nhân khác trong nhà tù, hoặc âm mưu tấn công khủng bố. Tuy nhiên, hậu quả của việc không hồi hương của họ còn lớn hơn nhiều những rủi ro đó”.

Thomas Renard - Nhà nghiên cứu thuộc Viện Egmont

Vừa qua, một tài liệu nội bộ của Liên minh châu Âu đã mô tả tình hình an ninh tại các trại giam giữ ở Syria là rất đáng lo ngại. Thậm chí trại Hol còn được ví như một “vương quốc Hồi giáo” thu nhỏ. Nhóm vận động Reprieve cho biết, nhiều phụ nữ trong các trại đã bị buôn bán, hãm hiếp, ép buộc phải kết hôn và làm nô lệ cho gia đình. Bên cạnh đó, các nhóm nhân quyền nói rằng, trẻ em trong trại tạm giam không làm gì sai trái và đang chịu cảnh bị suy dinh dưỡng, bệnh tật hay lạm dụng tình dục. Theo tổ chức phi chính phủ Save the Children, hàng trăm người đã chết, hàng chục trường hợp nhiễm Covid-19 đã được báo cáo trong các trại này. Người ta cũng lo ngại về những cậu bé tuổi vị thành niên đến các vùng lãnh thổ của IS cùng với mẹ sẽ có nguy cơ bị cực đoan hóa cao hơn.

Letta Tayler, một nhà nghiên cứu cấp cao về chống khủng bố của Tổ chức Theo dõi nhân quyền nói rằng, các chính phủ châu Âu đang “tạo ra các tầng lớp trẻ em”. “Những đứa trẻ đáng mong chờ nhất chính là những đứa bị mồ côi hay những cậu bé tuổi thanh thiếu niên. Chúng đang bị bỏ lại phía sau, nhất là khi các quốc gia chỉ thu nhận trẻ nhỏ tuổi hơn” - bà Tayler nói.

Quyết tâm hành động

Ông Vincent Van Quickenborne - Bộ trưởng Tư pháp Bỉ cho biết, chính phủ Bỉ sẽ tổ chức hồi hương cho 13 phụ nữ và 27 con cái của họ trong vòng vài tháng sau khi các cơ quan tình báo nước này báo cáo rằng IS đang trỗi dậy trong các trại ở Syria. Ông Vincent cho biết, các nhà chức trách đã nhận được lời khuyên rõ ràng, rằng đưa phụ nữ và trẻ em về Bỉ là lựa chọn an toàn nhất. Nhưng Bộ trưởng Tư pháp Bỉ cũng nói rằng, bất kỳ phụ nữ nào muốn trở lại Bỉ sẽ phải chứng minh rằng họ không có có ý định gây tổn hại cho đất nước. “Nếu họ không xa rời hệ tư tưởng IS, họ sẽ phải ở lại đó” - ông nói.

Van Eetvelde, một cựu nhân viên thu ngân sinh ra gần Antwerp (miền Bắc Vương quốc Bỉ) đã cùng chồng đến lãnh thổ IS vào năm 2014. Tháng 1-2021, tòa án Bỉ đã kết tội vắng mặt cô vì tham gia vào các hoạt động của tổ chức khủng bố. Theo luật sư Ozdemir, tòa án đã kết án cô 5 năm tù. Đến tháng 3-2021, khi Bỉ đồng ý cho một số phụ nữ đã gia nhập IS và con cái của họ hồi hương, Jessie Van Eetvelde đón nhận quyết định này một cách nhẹ nhõm dù biết điều đó có thể đồng nghĩa với việc cô sẽ phải ngồi tù.

Cô và 2 đứa con (3 và 5 tuổi) đã sống ít nhất 2 năm trong các trại tạm giam ở Syria. Jessie nói, ước mơ của cô là những đứa con được đi học ở Bỉ. Vì điều đó, cô sẵn sàng trả giá nếu đất nước đón nhận lại gia đình mình. “Có thể họ nhận ra rằng, những người muốn quay lại đang rất hối hận và muốn có cơ hội thứ hai” - Jessie Van Eetvelde cho biết.

Một số quốc gia châu Âu khác cũng đang hành động. Tại Đan Mạch, các nhà chức trách cho biết, họ sẽ cho 3 phụ nữ và 14 trẻ em hồi hương. Đức và Phần Lan đã hồi hương 5 phụ nữ và 18 trẻ em vào tháng 12-2020. Tháng 4 vừa qua, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Đức cho biết, nước này đang làm việc “hết tốc lực” để thu nhận trẻ em từ các trại có mẹ là công dân Đức.

Tại Anh, các nhà lập pháp của đảng Bảo thủ kêu gọi hồi hương một số công dân Anh, lập luận rằng truy tố họ ở trong nước sẽ an toàn hơn là để họ trong các trại giam ở Syria. Jussi Tanner - một nhà ngoại giao Phần Lan phụ trách việc hồi hương cho biết: “Việc đưa phụ nữ và trẻ em về nước không phải là nếu, mà là khi nào và như thế nào? Hồi hương họ cần càng nhanh càng tốt. Điều đó tốt hơn là giả vờ rằng, cứ quay lưng lại thì vấn đề sẽ biến mất. Bạn có thể bỏ họ ở đó, nhưng rồi họ sẽ vẫn trở về”.